Ngành Dệt may Việt Nam: Từng bước chủ động nguồn nguyên liệu
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh về vướng mắc của ngành dệt may | |
Cần làm gì để thực sự được hưởng lợi từ FTA | |
Hàn Quốc hỗ trợ dệt may Việt Nam tiếp cận kỹ thuật mới 4.0 |
Tổng công ty cổ phần Phong Phú vừa hoàn tất thỏa thuận hợp tác với Công ty Advance Denim Limited để thành lập Công ty TNHH Advance Sico Textile. Liên doanh với một đối tác có truyền thống về dệt may như Advance Denim là bước đi cụ thể hóa chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh việc gia tăng thị phần trên thị trường nội địa. Mục tiêu của Phong Phú là trở thành nhà cung cấp vải denim số 1 của Việt Nam cho cả thị trường nội địa và châu Âu, Mỹ. Ở giai đoạn 1 của nhà máy liên doanh, năng lực sản xuất sẽ đạt khoảng 12 triệu mét vải mỗi năm. Dự kiến 2020 sẽ đi vào sản xuất chính thức.
Nhiều DN Dệt may đang đối mặt với đơn hàng giảm |
Sản phẩm may mặc từ vải denim (loại vải thô, bền, được dệt đan chéo một cách chắc chắn bằng 100% vải cotton) chiếm khoảng 80 tỷ USD trong ngành công nghiệp xuất khẩu của toàn cầu. Tại Việt Nam, sản xuất loại vải này chiếm một tỷ trọng khá khiêm tốn trong ngành dệt may Việt Nam. Còn sản phẩm sản xuất từ vải denim chỉ chiếm 10-20% trong cơ cấu chủng loại sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam, theo Euromonitor.
Lâu nay, các công ty như Zara, H&M hay Levis đang sản xuất rất nhiều hàng ở Việt Nam và bán trên toàn cầu nhưng phải nhập khẩu vải denim từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… Sắp tới đây, các thương hiệu này sẽ sử dụng vải denim sản xuất tại Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu. Công ty TNHH Advance Sico Textile không đơn thuần sẽ cung ứng nguồn vải denim này nội khối... tiến tới làm chủ được nguồn nguyên liệu, cao hơn đó là sự hóa giải những thách thức trong khâu dệt và vải mà chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa và khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm quần jean lên đến 55-60%. Song, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn.
Đây được coi là bước chuyển tích cực của một DN ngành dệt may để tận dụng cơ hội của các hiệp định CPTPP, EVFTA và EVIPA… giảm thiểu thách thức, góp cho bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2019 thêm sáng hơn.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), nhìn nhận, dẫu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam còn thiếu khâu sợi, dệt nhuộm và vải nguyên liệu. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả cho suất đầu tư tại Việt Nam, DN nước ngoài cần có những hợp tác thực chất, tránh tình trạng chỉ hợp tác đơn thuần giữa bên bán và bên mua mà không có sự chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất. Thậm chí, nhiều DN đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư công đoạn cuối là lắp ráp, đóng gói sản phẩm nhằm tận dụng lợi thế xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Bởi với EVFTA vừa ký kết, có hiệu lực vào đầu năm 2020, xuất khẩu dệt may sang EU sẽ được giảm thuế, nhưng chỉ với điều kiện đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là từ khâu sản xuất vải đến may mặc phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc nhập từ EU. Đại diện EU cũng đã nhiều lần khẳng định, dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu vào EU, nhưng phải chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ mới có cơ hội được giảm thuế.
Thực tế, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của ngành dệt may không như mong đợi khi tăng trưởng toàn ngành mới chưa đến 9% (tương ứng đạt 17,97 tỷ USD), như vậy từ nay đến cuối năm ngành dệt may phải tăng trưởng 11-12% mới có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD cả năm 2019.
Ở chiều ngược lại, do phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ bên ngoài, nên kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng gia tăng, với 11,39 tỷ USD tăng 5,66%. Trong đó, nhập khẩu bông đạt 1,52 tỷ USD, nhập khẩu xơ sợi các loại đạt 1,23 tỷ USD, nhập khẩu vải đạt 6,75 tỷ USD, nhập khẩu phụ liệu đạt 1,89 tỷ USD tăng 5%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 9,56 tỷ USD tăng 7,04%. Đặc biệt, các DN dệt may Việt Nam đang lâm vào tình trạng “khát” đơn hàng, bao gồm cả các DN lớn như May 10, May Việt Tiến… Lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018, thông tin trên được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VISTA) công bố tại buổi họp báo mới đây.
Lý giải nguyên nhân, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VISTA cho rằng, EVFTA vừa được ký kết nhưng chưa có hiệu lực. Do đó, các DN dệt may Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU vẫn phải cạnh tranh với các nước khác vì thuế suất vào khu vực này vẫn là 9,6%. Tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, giảm nhập hàng hay thu mua dưới giá thành…
Nếu như trong năm 2018, tại thời điểm giữa năm, nhiều DN lớn đã có đơn hàng đến hết năm. Nhưng sang năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng do tâm lý lo ngại chiến tranh thương mại sẽ leo thang.
Việc dệt may Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải cần sớm tìm kiếm sự liên kết trong nội ngành hay xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu tốt mới mong tận dụng được lợi thế từ EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Còn quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP đã linh hoạt hơn so với các FTA khác khi CPTPP cho phép nguyên liệu đầu vào được quyền nhập khẩu từ các thành viên của khối.