Ngành du lịch bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh
Bất động sản Đà Nẵng 2020 thừa hưởng những giá trị cốt lõi của thị trường 2019 | |
Du lịch Đà Nẵng giữa đại dịch corona |
Đà Nẵng chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 |
Ảnh hưởng tiêu cực
Những ngày qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều ngành kinh tế từ nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa… Trong đó, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng tiêu cực lớn. Trong đó, Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại, bởi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, những tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch của Đà Nẵng. Cụ thể, đối với các đơn vị lữ hành, khách du lịch giảm từ 10-50% tùy theo thị trường. Số lượng khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á giảm từ 20-30%; công suất khai thác phòng của các khách sạn giảm từ 30-40% so với cùng kỳ.
Một số khách sạn có công suất khai thác chỉ còn từ 10-20% và chủ yếu là các khách lẻ; tại các điểm đến du lịch, công suất cũng giảm mạnh từ 30-40% so với cùng kỳ. Công suất khai thác của vận chuyển du lịch cũng giảm mạnh, chỉ còn từ 40-50% và gặp rất nhiều khó khăn trong khi đa số các doanh nghiệp đều có sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.
Thực tế cho thấy, thậm chí khách nội địa đến Đà Nẵng cũng giảm đáng kể bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) chi nhánh Đà Nẵng, các tour của khách Trung Quốc đến Đà Nẵng và tour từ Đà Nẵng đưa khách Việt đi Trung Quốc đều đã bị hủy. Nếu kiểm soát dịch tốt, thị trường mới có thể thay đổi được, và bản thân DN du lịch cũng phải chủ động chuyển hướng khai thác thị trường mới.
Còn ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietnam TravelMart cho biết, hiện công ty vẫn đón một số khách từ các thị trường khác, nhưng không nhiều. Khi du khách đến đều được hướng dẫn viên khuyến cáo, nhắc nhở, hướng dẫn các quy định trong việc sử dụng khẩu trang, vệ sinh phòng tránh bệnh Covid-19.
Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hiện có tổng số 28 đường bay đi và đến Đà Nẵng từ Trung Quốc, hầu hết đều đã đóng cửa. Việc dừng các đường bay nói trên cũng có ảnh hưởng đến sản lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định bởi số lượng khách đến Đà Nẵng chủ yếu là từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Công tác phòng chống dịch đã được Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng triển khai quyết liệt.
Trước thực tế này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất, kiến nghị chính quyền TP. Đà Nẵng thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh cho cộng đồng và DN du lịch được biết; kiến nghị các ban, ngành và cả hệ thống chính trị đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo đó, thực hiện một số chính sách như giảm tiền thuê đất của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong 2 năm, cho phép chậm nộp thuế quý 4/2019…; miễn, giảm chi phí vé tham quan ở các khu, điểm di tích do thành phố quản lý. Thành phố có ý kiến với các hãng hàng không có các chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành trong việc được hoàn hoặc dời phí cọc vé máy bay tới các thị trường có ảnh hưởng của dịch…
Cơ hội để cơ cấu lại nguồn khách
Mới đây, tại buổi làm việc của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về tình hình hoạt động thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, lâu nay thành phố luôn tạo điều kiện ủng hộ, giải quyết hầu hết các kiến nghị của hiệp hội du lịch. Những đề xuất của hiệp hội đều được UBND thành phố tiếp thu một cách rất nghiêm túc và có thiện chí, từng bước xây dựng thêm các sản phẩm du lịch.
Đồng thời, chính quyền thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt phát triển du lịch và sẽ ủng hộ DN du lịch trong hoạt động kinh doanh; nhưng ngược lại thành phố cũng mong DN du lịch trên địa bàn đồng hành với chính quyền, tích cực tham gia, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới cho thành phố.
Còn Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lê Minh Trung cho rằng, công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố được triển khai rất tốt, thành phố đã chuẩn bị các phương án từ thấp đến cao. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta truyền thông như thế nào để mọi người hiểu rằng việc chuẩn bị phòng, chống dịch của Đà Nẵng là rất tốt, điểm đến Đà Nẵng vẫn an toàn.
Hiện tỷ trọng dịch vụ chiếm 64,35% trong cơ cấu nền kinh tế của thành phố nên việc đầu tiên cần có đối với các ngành là nghiên cứu đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó. DN cần chỉ ra rằng cần hỗ trợ những gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các ngành nên có sự chủ động trong việc cập nhật thông tin tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố và có bản cập nhật bằng tiếng Anh để DN nước ngoài có thể nắm bắt được.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra như hiện nay ảnh hưởng tới ngành du lịch, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý với DN và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khi có các thông tin về Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình du lịch, ngành nên có cách xử lý, giải quyết cho phù hợp, tăng cường quản lý khách sạn; ngành du lịch và hiệp hội du lịch phải có chiến dịch quảng bá du lịch và hình ảnh an toàn của Đà Nẵng. Ngay từ đầu, Đà Nẵng rất nghiêm túc, kỹ càng, sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch, không chủ quan.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, chuẩn bị tốt công tác phòng dịch chính là cơ sở để nói rằng điểm đến Đà Nẵng an toàn. Song song với việc chuẩn bị, phòng dịch tốt, phải nêu được thông điệp Đà Nẵng đang an toàn và kiểm soát phòng dịch tốt. DN du lịch bình tĩnh, tiếp tục có hoạt động, xây dựng kế hoạch xúc tiến, chăm sóc khách tốt, tìm kiếm các thị trường khách mới. Mục tiêu của thành phố bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới thì cần tìm phân khúc khách hàng khác, có thu nhập cao hơn. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn hết sức khó khăn của DN, nhưng cũng cần coi đây là một cơ hội để cơ cấu lại nguồn khách. Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu các mô hình ở các nước để có thể phát triển du lịch bền vững, minh bạch…