Ngành dược phẩm: Sẽ khả quan hơn trong năm 2021
Cơ hội “bắt tay” về dược phẩm Việt Nam - Ấn Độ | |
Doanh nghiệp dược phẩm phủ sóng bán lẻ | |
Tăng cường hợp tác đẩy lùi nạn dược phẩm giả |
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây tác động tiêu cực ngắn hạn cho ngành dược phẩm khi nguồn cung nguyên liệu đứt gãy trong 2 tháng đầu năm 2020, song với giải pháp thúc đẩy hợp tác với nước ngoài từ Chính phủ và thay đổi trong cơ chế xét duyệt tiêu chuẩn sản xuất từ các cơ quan châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) và các đơn vị quản lý dược phẩm châu Âu (HMA và EMA), cùng với nguồn cung nguyên liệu được nối lại từ tháng 3, ngành dược phẩm trong nước đã trải qua năm 2020 khá ấn tượng.
Ảnh minh họa |
Xu hướng tiêu thụ ở kênh OTC tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhóm sản phẩm phòng dịch. Thống kê cho thấy 11 tháng 2020, sản lượng khẩu trang y tế sản xuất trong nước ước đạt hơn 5,2 tỷ chiếc. Đây cũng là năm xuất khẩu khẩu trang của Việt Nam ghi kỷ lục với hơn 1,37 tỷ chiếc khẩu trang y tế các loại sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Tháng 1/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, số lượng khẩu trang xuất khẩu đã giảm song vẫn đạt 64,7 triệu chiếc.
Lợi thế chính từ kênh OTC, đồng thời đẩy mạnh phát triển kênh ETC, đã trợ lực cho nhiều doanh nghiệp đặc biệt từ quý 2/2020. Như Công ty Dược phẩm Imexpharm (IMP), doanh thu thuần năm 2020 chỉ đạt 1.369 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ; song nhờ việc tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung khai thác những mặt hàng có biên lợi nhuận cao, đặc biệt của các nhà máy EU-GMP khiến chi phí giá vốn giảm sâu hơn đến 6% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 547 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 39,9%; lãi trước thuế đạt 255,4 tỷ đồng, hoàn thành trên 98% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt gần 210 tỷ đồng, tăng 29,2% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.
Còn với Traphaco (TRA), việc quản trị hiệu quả các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí vật tư đầu vào đã giúp doanh thu thuần lũy kế cả năm 2020 của công ty đạt gần 1.909 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 216,7 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019 (tương đương EPS đạt 4.185 đồng).
Nhìn về triển vọng năm 2021, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, ngành dược sẽ khả quan hơn trong năm 2021. Theo đó nguồn cung nguyên liệu đã phục hồi từ cuối quý I/2020 và không còn là một rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Ở mảng sản xuất, tiến độ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau khi cả việc di chuyển của các chuyên gia tới Việt Nam và việc xét duyệt tiêu chuẩn từ xa được cho phép.
Theo tổ chức IQVIA, tổng giá trị dược phẩm tiêu thụ ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, ước đạt 123,6 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 8,0% so với cùng kỳ 2020).
Tiêu thụ ở kênh OTC cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Một số nhóm sản phẩm như vitamin tổng hợp, vitamin C và một số sản phẩm có nguồn gốc thảo dược được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 8,0%- 20,0%/năm.
Hơn thế, các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội cho dược phẩm nội đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương ở kênh ETC. Bởi trong bối cảnh số dư lũy kế quỹ bảo hiểm y tế có xu hướng giảm từ năm 2015 trong khi số thu quỹ bình quân vẫn tăng trong giai đoạn 2015-2019, để cân bằng thu-chi, quỹ đang và sẽ tiếp tục tập trung vào việc giới hạn tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc có giá thành cao. Tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc so với tổng chi phí thuốc được giới hạn từ 0-30% theo tuyến bệnh viện. Đặc biệt các ưu tiên pháp lý đang mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa phát triển các sản phẩm có giá thành thấp hơn và được sản xuất dưới dây chuyền EU-GMP, Japan-GMP hoặc tương đương.
FPTS khuyến khích doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất thuốc generic với tiêu chuẩn tương đương ngay khi biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền. Tuy nhiên, mới chỉ một số ít doanh nghiệp trong nước đủ khả năng do các giới hạn về vốn, trình độ công nghệ và khả năng nghiên cứu. Vì vậy, việc hợp tác với các tập đoàn dược phẩm toàn cầu là cần thiết. FPTS cho rằng xu hướng M&A trong ngành dược ở Việt Nam sẽ tiếp tục trong năm 2021 do mang lại lợi ích cho cả phía doanh nghiệp sản xuất Việt Nam và tập đoàn dược phẩm nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp dược nội hứa hẹn những triển vọng phát triển mới trong năm 2021 như IMP hoàn thành xây dựng nhà máy Thực phẩm bảo vệ sức khỏe tháng 7/2020 và đạt chứng nhận HS-GMP tháng 10/2020. Ngoài ra, sản phẩm Cephalexin 500mg vừa được cấp giấy phép lưu hành bởi Cục Quản lý Thuốc và Sản phẩm Y tế Tây Ban Nha, giúp mở rộng thị trường và phân khúc tiêu thụ Cephalexin 500mg của IMP sang xuất khẩu châu Âu và đấu thầu ở nhóm ETC. Với TRA, việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm sản xuất và phân phối, đặc biệt là nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, là bước đi phù hợp khi nhu cầu cho các sản phẩm này tăng trong bối cảnh dịch bệnh.