Doanh nghiệp dược phẩm phủ sóng bán lẻ
Dược sĩ Trần Đức Chính - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Dược Việt Nam (VNPCA) cho biết, các DN kinh doanh dược phẩm đang có sự cạnh tranh mở rộng bán lẻ trên cả nước. Nhìn lại các thương hiệu kinh doanh dược phẩm trên cả nước hầu hết đều có hệ thống chuỗi cửa hàng ngày càng hiện đại. Với các loại dược phẩm từ thông dụng đến đặc trị (bán theo đơn), người dân đều có thể dễ dàng tìm thấy. Toàn thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị trên 6,5 tỷ USD/năm, nhưng các DN kinh doanh không dừng ở việc mở chuỗi cửa hàng chuyên về thuốc, mà lần lượt mở rộng kinh doanh đa dạng đến cả sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, thực phẩm chức năng…
Ảnh minh họa |
Hiện nay đã có những thương hiệu nhà thuốc ngày càng mở rộng chuỗi cửa hàng như Long Châu có gần 70 cửa hàng tại TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang. Mục tiêu của Long Châu là phát triển đến các tỉnh thành trong cả nước, đến 2022 đạt 700 cửa hàng. Thương hiệu Pharmacity ở TP.HCM cũng đã vượt trên 200 cửa hàng thuốc và đang thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới lên hơn 1.000 cửa hàng vào năm 2021. Mới hơn, có thương hiệu Century Pharma của Indonesia. Chuỗi cửa hàng Century Healthcare đã hình thành sau khi nhà bán lẻ này mua lại chuỗi nhà thuốc Vistar, hiện có 24 cửa hàng đang hoạt động, đặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM như Bitexco, Saigon Centre, Aeon Mall, Giga Mall... Thời gian tới thương hiệu Pharos của Indonesia này còn mở rộng xuất dược phẩm sang Việt Nam với nhà máy 6.000m2 đang được xây dựng tại Bình Dương. Tập đoàn kinh doanh đa ngành VinGroup cũng tham gia vào lĩnh vực này với gần 50 cửa hàng dược phẩm tại Hà Nội và TP.HCM. Hay mới đây nhất, Thế giới Di động đã thêm mảng dược phẩm vào kinh doanh khi mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang (hiện đổi tên là An Khang), với 11 nhà thuốc...
Không chỉ mở rộng quy mô, DN kinh doanh dược phẩm còn hướng đến đa dạng hóa sản phẩm trong chuỗi cửa hàng dược phẩm. Đó là kinh doanh nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Hiện xu hướng tiếp cận các sản phẩm chăm sóc sức khỏe ban đầu đang hình thành tại Việt Nam. Theo bà Huỳnh Thị Lan - Phó Chủ tịch VNPCA, trong kinh doanh chuỗi dược phẩm, nhóm thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cũng có lợi nhuận cao, nên xu hướng chung của nhiều chuỗi nhà thuốc thành công trên thế giới và của Việt Nam hiện tại là đẩy mạnh kinh doanh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Người dân Việt Nam hiện không chỉ quan tâm đến bệnh tật mà bắt đầu chú ý đến các vấn đề sức khỏe, phòng bệnh. Vì vậy, trên thị trường DN kinh doanh dược phẩm trong và ngoài nước đều đón đầu xu hướng mới này và đẩy mạnh kinh doanh nhóm sản phẩm này trong chuỗi bán dược phẩm.
Đây chính là xu hướng mà DN kinh doanh dược đang chuyển mình, với mô hình kinh doanh dược phẩm kết hợp cửa hàng tiện lợi (hiện tại là mô hình của Pharmacity) khiến nhà thuốc trở nên thân thiện, thiết yếu hơn. Sự đa dạng này hướng đến việc người dân không chỉ cần thuốc mới đến, mà có thể ghé nhà thuốc để mua sắm một số đồ dùng thiết yếu (vệ sinh cá nhân). Hơn nữa tại Việt Nam đã cho phép mở quầy dược phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nên việc kinh doanh dược phẩm hiện có vô số cơ hội, từ thị trường tiêu thụ đến điều kiện mở rộng chuỗi cửa hàng. Đánh giá mới nhất của VNPCA cho rằng, sự tham gia của các DN lớn mở rộng chuỗi kinh doanh nhà thuốc đang làm thay đổi chất lượng bán lẻ dược phẩm tại thị trường Việt Nam, tạo ra thêm các dịch vụ hậu mãi tốt hơn, người dân được phục vụ chu đáo hơn.