Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh: Chung sức, đồng lòng cùng doanh nghiệp vượt khó
Chủ động ứng phó với dịch bệnh
Thời gian qua, cũng giống như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, tỉnh Hà Tĩnh cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch giảm mạnh. Ngành Ngân hàng tỉnh Hà Tĩnh cũng chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng từ dịch bệnh khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ gia đình giảm; nguy cơ nợ xấu tăng do sản xuất kinh doanh, thương mại giảm sút; nguồn tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng giảm…
Kết quả rà soát khách hàng vay vốn trên toàn địa bàn đến nay cho thấy, tổng quy mô dư nợ các đối tượng khách hàng bị tác động của dịch Covid-19 là 8.157 tỷ đồng, chiếm 15,34% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, một số ngành kinh tế có dư nợ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cao như nông, lâm nghiệp và thủy sản (là 1.034 tỷ đồng); bán buôn, bán lẻ (2.550 tỷ đồng); hoạt động dịch vụ (1.000 tỷ đồng)...
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, NHNN Chi nhánh tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng, tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Cụ thể, NHNN tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ...
Đồng thời, thực hiện rà soát những khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay... theo quy định của pháp luật hiện hành, với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 345 tỷ đồng, với 430 khách hàng, gồm 356 cá nhân, 73 doanh nghiệp và 01 khách hàng khác.
NHNN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan báo, đài đưa thông tin tuyên truyền về ngành Ngân hàng sẵn sàng các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng trong dịch bệnh; chuyển tải các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh và NHNN tỉnh lên trang thông tin điện tử của Chi nhánh tại địa chỉ sbv.hatinh.gov.vn để mọi người dân, doanh nghiệp, khách hàng nắm và tiếp cận. Đồng thời thiết lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN trên địa bàn. Trong đó, kịp thời trả lời các kiến nghị của các doanh nghiệp, người dân liên quan đến việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19.
Hỗ trợ khách hàng “vượt bão” Covid-19
Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc NHNN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do dịch Covid-19 để triển khai các giải pháp phù hợp giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong việc tiếp cận vốn, khôi phục sản xuất”.
Sau khi xác định được số lượng khách hàng với những thiệt hại cụ thể, các TCTD đã giảm lãi suất đối với 7.939 tỷ đồng dư nợ cho 3.417 khách hàng, với mức giảm từ 0,2%/năm đến 2%/năm (trong đó miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là 133 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn giảm 0,51 tỷ đồng, số khách hàng được miễn giảm lãi là 148). Bên cạnh đó, các TCTD đã cho vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, với doanh số cho vay mới là 8.224 tỷ đồng cho 4.549 khách hàng (gồm 4.050 cá nhân, 488 doanh nghiệp, 2 HTX và 9 khách hàng khác). Lãi suất cho vay mới thấp hơn lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 0,5%/năm đến 2%/năm.
Ngay từ thời điểm tháng 2, khi tỉnh Hà Tĩnh chưa xảy ra dịch Covid-19, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án kinh doanh, hỗ trợ tín dụng cho khách hàng. Đến đầu tháng 4, Chi nhánh NHNN tỉnh đã phát đi chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Theo đó, một loạt các giải pháp hỗ trợ như miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ; hạ lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới... đã được triển khai. Quy mô gói hỗ trợ tín dụng được các ngân hàng điều chỉnh liên tục. Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng bị thiệt hại, các ngân hàng đã rà soát, đánh giá lại toàn bộ dư nợ, xem xét nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng; trong đó trên 90% là dư nợ doanh nghiệp. Số khách hàng đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi vay, cho vay mới… cũng đang dần tăng lên với con số hàng trăm doanh nghiệp.
Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện (TP Hà Tĩnh) là doanh nghiệp vận tải lớn ở Hà Tĩnh. Thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, công ty đã được VietinBank Hà Tĩnh giảm 0,5% lãi vay cho số dư nợ hiện hữu là 3,4 tỷ đồng. “Sự hỗ trợ, đồng hành của ngân hàng thực sự là nguồn tiếp sức quý giá, để chúng tôi tự tin vực lại sau khó khăn” - bà Trần Thị Hiếu, Phó Giám đốc công ty cho biết.
Đối với HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương (Hộ Độ, Lộc Hà) khi đối mặt với dịch bệnh phức tạp, nguồn hàng bán ra chậm, nhiều thị trường bị dừng lại thì nợ ngân hàng trở thành gánh nặng đối với HTX. “Khi biết món vay 2,1 tỷ đồng được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, chúng tôi như nhẹ lòng hơn vì không bị bỏ lại phía sau”, ông Trần Xuân Hồng - Giám đốc HTX chia sẻ.
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã giúp các DN ổn định và phục hồi sản xuất |
Tập trung vốn khôi phục và phát triển kinh tế
“Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh sẽ cùng với toàn ngành Ngân hàng quyết tâm với sự đồng bộ thống nhất cao để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế”, ông Nguyễn Huy Tiến chia sẻ về nhiệm vụ thời gian tới.
Theo đó, NHNN tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung quán triệt và triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, đặc biệt là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tập trung mọi nỗ lực để huy động vốn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu vốn vay có hiệu quả; chỉ đạo tập trung ưu tiên vốn vay cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; lĩnh vực xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động và các dự án có hiệu quả; các dự án trọng điểm của tỉnh…
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát của NHNN tỉnh và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các ngân hàng nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, đảm bảo an toàn vốn vay. Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục vay vốn, biểu phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng trong quan hệ giao dịch và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn, có thể khẳng định các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân sẽ cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.