Ngành Ngân hàng Quảng Trị tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Đảm bảo an toàn hoạt động
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng chú trọng đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động và đa dạng hóa dịch vụ, đẩy nhanh quá trình xây dựng kinh tế số.
Ông Nguyễn Đức Đồng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Trị, cho biết trong những năm trở lại đây, giữa bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, song hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn có nhiều khởi sắc. Trong đó, công tác đảm bảo an toàn hoạt động được xem là điểm sáng trong hoạt động của các ngân hàng và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đại diện các ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp. |
Theo đó, để có được sự ổn định và an toàn trong toàn hệ thống, NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã triển khai các kế hoạch thanh tra định kỳ, đột xuất đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tập trung vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiêu cực và được dư luận xã hội quan tâm như: Thanh tra hoạt động cấp tín dụng, cơ cấu lại, xử lý nợ xấu... qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tổ chức khảo sát về tình hình tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của người dân, doanh nghiệp nhằm kịp thời xử lý, hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng.
Không chỉ đảm bảo an toàn, các tổ chức tín dụng cũng tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới, hạ tầng công nghệ để triển khai các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán, đồng thời đẩy mạnh cung ứng vốn tín dụng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến quý I/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 22 tổ chức tín dụng, trong đó 11 chi nhánh cấp 1; 10 chi nhánh cấp 2 (chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thị xã, thành phố); 11 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; 51 phòng giao dịch của ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại đến người dân như: eKYC, đặt chỗ giao dịch trực tuyến, thanh toán quét mã QR Code, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ gắn chíp, thẻ không tiếp xúc...
Tạo đà hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh
Báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến cuối quý I/2023, huy động vốn đạt 32.350 tỷ đồng; doanh số cấp tín dụng đạt 14.317 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 49.870 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ chiếm tỷ trọng 0,67%/tổng dư nợ, cho thấy dòng vốn đã đi vào nền kinh tế một cách hiệu quả.
Dư nợ các Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 của Ngân hàng Chính sách xã hội là 290,76 tỷ đồng; trong đó: Cho vay mua máy tính và thiết bị học tập đạt 3,03 tỷ đồng (99,08% kế hoạch), Cho vay giải quyết việc làm là 150 tỷ đồng (100% kế hoạch), cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 là 128,39 tỷ đồng (98,56% kế hoạch), cho vay cơ sở mầm non và tiểu học ngoài công lập đạt 1,69 tỷ đồng (92,05% kế hoạch), cho vay dân tộc thiểu số theo Nghị quyết 88 là 7,65 tỷ đồng (97,16% kế hoạch).
Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN từ đầu chương trình là 110,63 tỷ đồng, số lượng khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất:alf 7 khách hàng (3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 3 hộ kinh doanh), số tiền được hỗ trợ lãi suất là 0,445 tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 100,25 tỷ đồng.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã cung ứng một khối lượng lớn tín dụng, góp phần đáng kể vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là đầu tư vào các dự án trọng điểm, động lực của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt gây ra.
“Thời gian tới, tình hình kinh tế nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng được dự báo vẫn còn khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, ngành Ngân hàng Quảng Trị sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII”, Giám đốc Nguyễn Đức Đồng cho biết.