Ngành sản xuất tìm cách tiết kiệm điện
Phê duyệt khung giá phát điện năm 2023 Thủ tướng: Dứt khoát không để thiếu điện trong mọi trường hợp |
Theo tính toán của EVN, giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tác động đến từng nhóm khách hàng. Cụ thể, với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547 nghìn khách hàng, sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/tháng. Với nhóm khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng. Còn với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.
Giải thích lý do cần tăng giá điện, ông Nguyễn Đình Phước - Trưởng ban Tài chính Kế toán của EVN cho biết, từ đầu năm 2023, thông số đầu vào ảnh hưởng trực tiếp chi phí của EVN có diễn biến tiêu cực. Theo đó, sản lượng thủy điện giảm mạnh chỉ đạt gần 17 tỷ kWh do hạn hán và Elnino. Trong khi giá nhiên liệu đầu vào cũng ở mức cao, giá than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021. Giá than pha trộn của các doanh nghiệp trong nước cũng tăng hơn 30%...
Việc tăng giá điện chắc chắn có tác động không nhỏ tới giá thành sản xuất và sự cạnh tranh của doanh nghiệp |
Đại diện EVN cho biết, việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng quá lớn đến người dân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá điện chắc chắn có tác động không nhỏ tới giá thành sản xuất và sự cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng nhiều điện như xi măng, thép, nhôm, giấy, hóa chất…
Thông tin từ Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cho biết, nhôm là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng nhất hiện nay. Do giá điện cao nên các nhà máy điện phân nhôm (quy trình sản xuất nhôm nguyên liệu) vẫn chưa thể vận hành thương mại. Vậy nên, dù chúng ta có trữ lượng lớn quặng bô-xít, nhưng các nhà máy sản xuất sản phẩm từ nhôm vẫn phải nhập khẩu nhôm nguyên liệu để sản xuất.
Cũng theo VAA, đối với các nhà máy sản xuất nhôm định hình, chi phí điện trung bình chiếm khoảng 3% trong giá thành sản phẩm. Như vậy, khi giá điện tăng 4,5% thì giá thành sản phẩm tăng từ 0,1 - 0,162%.
Đứng trước những thách thức từ giá điện tăng, một số doanh nghiệp của VAA cũng đang tiếp tục tìm kiếm, thực hiện các giải pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, từng bước đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời) để chủ động một phần nguồn năng lượng cho văn phòng và vận hành sản xuất; tích cực truyền thông nội bộ về các giải pháp tiết kiệm điện trong công ty để mỗi cá nhân có ý thức hơn trong việc sử dụng tiết kiệm điện. Trước mắt, các doanh nghiệp cần hoạch định lại chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm để lên kế hoạch điều chỉnh giá bán sản phẩm cho phù hợp với tình hình doanh nghiệp và thị trường hiện nay.
VAA cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động, VAA luôn khuyến cáo các doanh nghiệp nên có quỹ dự phòng cho sản xuất để chủ động ứng phó với các biến cố bên ngoài, sau đó từng bước điều chỉnh giá bán cho phù hợp với thị trường. Về lâu dài, các doanh nghiệp nên có xu hướng đầu tư cho công nghệ nhằm giảm lượng tiêu hao điện năng trong mỗi đơn vị sản phẩm, như vậy sẽ giảm dần sự tác động đến giá thành sản phẩm mỗi khi có biến động giá điện.
Ngành thép cũng chịu tác động tương tự, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) Phạm Công Thảo đã chỉ đạo các công ty thành viên áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả, như sản xuất trong giờ thấp điểm, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng. Các doanh nghiệp trong tổng công ty cũng được yêu cầu phải tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện.