Ngành tôm khởi sắc
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, tôm là thực phẩm giàu dinh dưỡng và được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Do đó, việc ưu tiên sử dụng sản phẩm này sau khi dịch bệnh lắng xuống sẽ rất cao. Và đây là lúc cần tăng cường chế biến các sản phẩm tôm ăn liền, đóng hộp hay đông lạnh. Mặt khác ở thị trường xuất khẩu, những nước là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ hiện đã giảm nguồn cung đáng kể do dịch bệnh cũng là cơ hội mới cho ngành tôm Việt Nam.
Người nuôi và doanh nghiệp ngành tôm đang vượt qua khó khăn, đón chờ cơ hội mới |
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong điều kiện nhiều nhóm ngành hàng thủy sản (như cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể…) gặp khó khăn, sụt giảm kim ngạch xuất khẩu do đại dịch Covid-19, thì tôm vẫn có tiến triển khả quan. Tuy nhiên, dịch bệnh trên toàn cầu cũng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng, thương mại tôm của nhiều quốc gia vốn là nguồn cung lớn cho thị trường thế giới như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Dự báo, tình hình nguồn cung tôm năm 2020 trên phạm vi toàn cầu sẽ giảm mạnh so với năm trước, giá tôm vì thế sẽ tăng trên thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu áp lực nhất định. Cụ thể, hiện nay miền Nam đang vào đầu mùa mưa, thời tiết mát dịu, tốt cho sự sinh trưởng của tôm nuôi. Nhưng tại nhiều địa phương có diện tích nuôi tôm lớn, như Sóc Trăng (là tỉnh có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước với gần 25.000 ha), Cần Thơ, Trà Vinh… diện tích thả nuôi tôm của nhà nông chỉ mới đạt 15%, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt (biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm là 10 độ, dễ gây sốc cho con tôm, tôm dễ bị nhiễm bệnh), khiến người nuôi tôm chần chừ thả nuôi giai đoạn này. Việc xuống giống tôm ít và chậm khiến giá tôm nguyên liệu tăng (nhất là vụ sản xuất tháng 5/hàng năm). Các nhà máy chế biến của doanh nghiệp, sẽ có khoảng thiếu hụt nguyên liệu, dẫn tới giá tôm tươi thất thường, dẫn đến tình trạng đắt đồng, ế chợ, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Ở thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng tôm đang bị gián đoạn, do Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu tôm lớn, đang gặp nhiều khó khăn lớn do dịch bệnh. Các quốc gia nuôi tôm lớn khác là Indonesia, Ecuador, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tác động đến nuôi trồng và chế biến tôm. Riêng Việt Nam, do tâm lý lo ngại về đầu ra, nên người nuôi cũng giảm lượng thả tôm giống.
Tuy nhiên, theo Vasep, những tháng đầu năm, sản lượng tôm của Việt Nam còn ít do chưa vào chính vụ, nếu dịch bệnh được khống chế tốt như trong thời điểm hiện tại, sẽ thuận lợi cho ngành tôm. Bởi trong quý II/2020, nhu cầu tôm sẽ trở lại bình thường, giá tôm sẽ tăng. Khó khăn nhất mà doanh nghiệp ngành tôm lo ngại là dịch bệnh kéo dài, sức cầu giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn lạc quan, do tôm là thực phẩm giàu dinh dưỡng và được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, việc ưu tiên sử dụng sản phẩm này sau khi dịch bệnh lắng xuống sẽ rất cao. Vì vậy, hiện doanh nghiệp Việt cũng đang chuẩn bị tốt nguồn cung tôm nguyên liệu, tăng cường chế biến các sản phẩm ăn liền, đông lạnh, chế biến và đóng hộp từ tôm, để vực dậy sản xuất, ổn định số lượng hàng xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. So với các nhóm thủy sản khác như cá tra, cá ngừ… (chủ yếu là sụt giảm) thì mức này được đánh giá khả quan. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ (Mỹ) tăng 11,5% là mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Tiếp theo, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam, Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2019. Hàn Quốc, Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đã giảm từ 6% - 16% so với cùng kỳ năm trước do tác động của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được khống chế, thị trường tiêu thụ tôm chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng người nuôi và doanh nghiệp Việt đang vượt qua khó khăn, đón chờ cơ hội mới.