Người cháy hết mình vì đam mê
Sau Giọt nắng trong trẻo và còn chút bỡ ngỡ nhập môn, với những cảm xúc chợt hiện mà lắng đọng như vị ngọt dư ba sau vị đậm chát của chè: Con chim bay vút lên không/ Để lại gió với cánh đồng rộng thênh (Không đề I); đến những tập thơ tiếp theo, trong khoảng gần 10 năm, Mai Văn Phấn có Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, trường ca Người cùng thời.
Đây là những chuyển động sáng tạo đầu tiên để thoát dần ra khỏi những khuôn phép truyền thống cả về tư duy lẫn cách thể hiện, mà có nhà thơ đã gọi đây là giai đoạn bứt phá để cách tân về thi pháp của Mai Văn Phấn:
Nhìn mặt ao đầm biết mùa thu nghìn tuổi. Lũ cá mại cờ, đòng đong cung quăng chẳng chịu già đi. Trong ký ức chúng luôn giật mình và bơi khe khẽ... (bài Ký sự mùa thu trong tập Cầu nguyện ban mai).
Từ biên độ đó dẫn đến Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che trong khoảng 5 năm sau đó. Đây là giai đoạn sáng tác đầy sức vóc, đầy tự tin và gặt hái được nhiều thành công của Mai Văn Phấn, với những ý thơ táo bạo và độc đáo:
Bông hồng sớm nay mình anh thấy
Tiếng chim hót tỉnh giấc
Tạ ơn con đường dẫn anh đi
Mây trên cao
Lá cây rơi
Cả những gì chưa hiện hữu
(Bài Hình đám cỏ trong tập Bầu trời không mái che)
Tiếp đến là Thả, và Hoa giấu mặt trong một năm tiếp theo, đã góp phần định vị nên một Mai Văn Phấn đầy sự tìm kiếm, đầy đổi mới, và hơn tất cả, là sự tự đổi mới để trở về với những chiêm nghiệm, ngẫm ngợi mang đầy triết lý nhân sinh. Ở mỗi bước chuyển động của tư duy ấy, với Mai Văn Phấn, không phải là một vài câu thơ “chìa khóa”, không phải là một vài bài thơ “đóng đinh”, mà là những tập thơ đầy ấn tượng.
Áp phích tại một buổi giới thiệu và thảo luận sách của nhà thơ Mai Văn Phấn |
Và năm nay, thêm một lần, Mai Văn Phấn lại khuấy động thi đàn Việt Nam bằng một thi phẩm mang tên “Lặng yên cho nước chảy” (Nxb Hội Nhà văn, 2018 ) vừa ra mắt bạn đọc giữa cái nắng hè nồng nã. Tập thơ Lặng yên cho nước chảy được cấu trúc từ năm chủ đề theo ý tưởng của tác giả, là: Sương sớm, Thay mùa, Đất mở, Cái miệng bất tử, Buông tay cho trời rạng. Chỉ đọc qua tên gọi của các chủ đề này cũng thấy ở tập thơ này, và nói rộng ra là trong cả hành trình thơ Mai Văn Phấn, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của anh.
Dùng hình ảnh tinh khôi trong trẻo của thiên nhiên, của cỏ cây, sông nước, đất đai... để gửi gắm những trải nghiệm và chiêm nghiệm đến thành triết lý của đời sống, ấy là sự lắng lại, là sự giao hòa, là sự sẻ chia, là niềm trân trọng… Nó gợi cho ta cảm giác về một sự trở về, nhưng không phải chỉ là trở về thuần túy, mà là trở về trong phương trưởng, sinh sôi…
Có lẽ vì thế mà trong dòng chảy lặng lẽ ấy, người ta vẫn tìm thấy sau vô vàn những tìm tòi, đổi mới, cách tân… suốt hơn 1/4 thế kỷ của Mai Văn Phấn, những giai điệu, những hình ảnh, những cảm xúc vô cùng bình dị và cổ kính. Nhưng hãy lắng lại thật yên tĩnh mà xem, có cả một thế giới đang chuyển động trong những hạt sương mỏng manh và li ti kia đấy…
Hóa thân giọt nước mùa hè/ Một đêm trở gió bay về với thu/ Dẫu chưa trọn kiếp sương mù/ Xin tan loãng kẻo trăng lu cuối trời/ Bao lần xanh biếc rong chơi/ Mấy lần úa rụng tiếng người vọng theo/ Thôi em! Đừng vặn! Đừng khêu!/ Đáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây/ Anh vừa đọng xuống thu gầy/ Đã đông thành đá phủ đầy rêu xanh… (Khúc cảm mùa thu).
Được biết trước khi tập thơ này đến với bạn đọc, vào tháng 12/2017, trong lúc Lặng yên cho nước chảy còn đang nằm trên bàn biên tập, nhà thơ Mai Văn Phấn đã vinh dự được nhận giải thưởng Cikada của Thụy Điển. Đây là giải thưởng văn chương uy tín, thành lập năm 2004, trao cho các nhà thơ Đông Á. Sự kiện này đã gây được sự chú ý lớn với công chúng yêu thơ ở xứ sở Bắc Âu thanh bình này. Thơ của anh được phát trên Đài phát thanh, được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí.
Thậm chí Đài Phát thanh Thụy Điển còn chọn tháng 2 là tháng thơ Mai Văn Phấn, một sự kiện hiếm có ở đây. Những điều ấy hẳn không phải là vấn đề ngoại giao, bởi trong buổi lễ trao giải thưởng này cho Mai Văn Phấn tại Hà Nội sau đó, ông Pereric Hoberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, ông từng có dịp đọc thơ Mai Văn Phấn bằng cả tiếng Thụy Điển, tiếng Anh và tiếng Pháp. Theo cảm nhận của ông “Thơ ca của Mai Văn Phấn cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống đời thường...”.
Nhà thơ, dịch giả Luz María López – Hoa Kỳ từng nhận xét: “ Thơ Mai Văn Phấn tràn ngập hình ảnh trữ tình, những lá bùa thị giác và những thông điệp triết học – hiện sinh mạnh mẽ. Đó là sự bùng nổ cảm xúc tái tạo cuộc sống, tâm hồn, sự bất diệt và tất cả những điều rất con người”. Còn nhà thơ, dịch giả Erik Bergqvist Thụy Điển thì cho rằng: “Thơ Mai Văn Phấn gây ấn tượng mạnh, đa dạng về nội dung và hình thức, vừa mang tính khách quan vừa tự sự, vừa huyền diệu và trữ tình, và không hiếm khi có cả sự ngây thơ ngơ ngẩn...”.
Mai Văn Phấn trong nền thi ca hiện đại Việt Nam đã trở thành một cái tên, một thương hiệu nổi bật. Chỉ thoáng qua về số lượng đầu sách mà Mai Văn Phấn “sở hữu” trong mấy chục năm qua cũng đủ thấy năng lượng lao động nghệ thuật của anh đáng nể phục thế nào. Cùng với các nhà thơ “đình đám” trong dòng thơ “hiện đại, đổi mới” như Nguyễn Quang Thiều, Dư Thị Hoàn, Ý Nhi, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương, Inrasara…
Mai Văn Phấn đã góp vào nền thi ca Việt Nam một vẻ lấp lánh của một tư duy thơ “ít giống ai” bằng sức lực, đam mê không mệt mỏi. Bút lực ấy, sức cảm, sức nghĩ ấy... dường như chỉ có ở Mai Văn Phấn. Người cháy hết mình vì sáng tạo, đam mê...