Người nữ cán bộ ngân hàng luôn nặng tình với biển đảo
Khẳng định vai trò, vị thế của cán bộ nữ trong ngành Ngân hàng Các thế hệ nữ cán bộ ngân hàng đã có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn |
Sáu lần đến Trường Sa
Cho đến lúc này, khi đã tạo nên “kỷ lục” về số lần đến với Trường Sa, nhưng có lẽ ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất với chị Phượng là lần đầu tiên khi vượt hành trình hơn 1.000 hải lý để đến với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tuy gian nan vất vả nhưng đối với chị lại đầy ắp niềm vui, đượm thắm tình quân dân và tinh thần tự hào dân tộc khi đến thăm, gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đặc biệt đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
11 điểm đảo và nhà giàn nay đã trở nên những cái tên thân quen: Đá Lớn A, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le B, Tốc Tan A, Phan Vinh A, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/7. Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng ấy có một lực hấp dẫn khôn tả, như một lời giục giã đầy lôi cuốn từ khơi xa. Nơi lớp lớp thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu sẵn sàng chiến đấu và hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở Trường Sa, Agribank đã góp phần làm nên một công trình đầy ý nghĩa. Đó là nhà văn hóa đa năng trên đảo Cô Lin - nơi xảy ra sự kiện Gạc Ma năm 1988. Công trình này là sự gửi gắm tình cảm, sự tri ân của tập thể cán bộ lãnh đạo, nhân viên Agribank đối với các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng của Tổ quốc. Từ khi có nhà văn hoá đa năng, điều kiện sinh hoạt và đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo chìm này được cải thiện. Đồng thời, nhà văn hóa cũng là “điểm tựa” hỗ trợ ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa và khu vực lân cận thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng (thứ 4 từ trái sang) trong một chuyến thăm Trường Sa |
Gần đây trong chuyến công tác ra Trường Sa. Sau hải trình giữa biển khơi thăm thẳm không bến bờ, chị Nguyễn Thị Phượng và những thành viên trong đoàn đã vỡ oà niềm xúc động khi nhìn thấy logo Agribank được gắn trên nhà văn hoá ở đảo Cô Lin. Biểu tượng này khiến cho những cán bộ của ngành Ngân hàng cảm giác như mình đang được trở về ngôi nhà thân yêu. Nhiều người bật khóc. Mọi người ngỡ ngàng khi giữa biển trời mênh mông, nhìn thấy một công trình gắn tên Agribank.
Trong nhiều năm qua, Agribank luôn dành sự quan tâm, cùng những hoạt động thiết thực, hỗ trợ vật chất và tinh thần, mang hơi ấm và tình cảm của đất liền động viên cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Với chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, Agribank tiếp tục góp phần tạo cảnh quan môi trường sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên vùng biển, đảo tiền tiêu này của Tổ quốc. Hàng năm Agribank đều tổ chức các chương trình thăm cán bộ, chiến sĩ ở các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đặc biệt là với Trường Sa. Phong trào Trường Sa với Agribank luôn thu hút được sự quan tâm của toàn hệ thống Agribank.
Đa số ngư dân là khách hàng của Agribank
Một trong những lý do nữa khiến cho người nữ cán bộ ngân hàng Nguyễn Thị Phượng cùng Agribank đến nhiều với Trường Sa, với biển đảo như chị chia sẻ, là vì đại đa số ngư dân là khách hàng của Agribank. Với nhóm khách hàng lớn này, ngân hàng có nhiều chương trình như: Một triệu lá cờ cho ngư dân, Cùng ngư dân thắp sáng đèn biển… nhằm góp phần động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế và góp phần bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Thời gian qua, Agribank đã cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện tuyên truyền chính sách cho ngư dân bằng việc phát tờ rơi, hay hành động thiết thực như giúp ngư dân đóng tàu… Luôn gắn với biển đảo, với vùng sâu, vùng xa vừa là trách nhiệm, vừa là sự chia sẻ, thể hiện sự gắn kết, thủy chung với khách hàng truyền thống của ngân hàng.
Với sứ mệnh phụng sự “Tam nông”, trong nhiều năm qua, Agribank luôn tích cực cùng người dân tháo gỡ khó khăn, tiếp thêm năng lực vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển để phát triển kinh tế và đời sống, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Là ngân hàng có hệ thống mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch phủ khắp cả nước, xuống tận xã, phường, thị trấn và huyện đảo, các cán bộ tín dụng đã bám sát địa bàn, gặp gỡ trực tiếp với ngư dân có nhu cầu vay vốn, nhiệt tình hướng dẫn thủ tục, hồ sơ một cách nhanh gọn, đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Agribank hiện có các chương trình đầu tư phát triển kinh tế với các địa phương có biển trên cả nước như: đầu tư cho ngư dân vươn khơi bám biển; đầu tư cho các mô hình phát triển kinh tế mới; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững gắn với du lịch, kinh tế xanh… Với Agribank là khi kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững thì hoạt động của ngân hàng mới bền vững. Tương lai của Agribank gắn với nền nông nghiệp Việt Nam, 2/3 dư nợ gắn với nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ, là điểm tựa cho nền kinh tế.
Mới đây trong chuyến đến thăm các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng tâm sự: Được chứng kiến sự gắn bó tình quân dân, sự thay đổi về đời sống và cơ sở vật chất của các lực lượng đứng chân và người dân trên các đảo, chúng tôi rất cảm động và phấn khởi. Agribank ngoài nhiệm vụ của một ngân hàng góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đã luôn đồng hành với các lực lượng ở các tuyến biên giới và biển đảo. Hiện ngân hàng đã và đang hỗ trợ cho 25 nghìn phương tiện đánh bắt cá xa bờ, giúp ngư dân bám biển ở các ngư trường truyền thống góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.
Hoạt động về nguồn, hướng về biển đảo luôn được Ban lãnh đạo Agribank coi là một phương thức để giáo dục thế hệ trẻ nối tiếp các thế hệ cha anh cống hiến vì cộng đồng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mỗi cán bộ, người lao động Agribank - những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, luôn nỗ lực, cố gắng đóng góp tích cực phát triển nông nghiệp, nông thôn, làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.