Nhà tư vấn tài chính phải chuyên nghiệp, hiểu biết về hoạch định tài chính cá nhân
Dịch vụ tài chính cá nhân khép kín Người trẻ quản lý tài chính cá nhân trong thời đại công nghệ số Để tránh các "cú lừa" tư vấn tài chính cá nhân |
Theo các chuyên gia, tài chính nói chung và tài chính cá nhân nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Tự chủ, độc lập và tự do về tài chính là mục tiêu của mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia trong tiến trình phát triển.
Tuy nhiên, không phải cá nhân và tổ chức nào cũng có thể tự hiểu biết, tự lập kế hoạch, tự thực hiện và kiểm soát các hoạt động tài chính của mình để đạt được các mục tiêu trên. Tại các thị trường tài chính phát triển, các nhà hoạch định tài chính cá nhân sẽ giúp mỗi người hoạch định tài chính toàn diện để từng bước đạt được các mục tiêu tài chính cá nhân.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Thị trường tài chính Việt Nam đã ra đời và phát triển được gần 30 năm là kênh dẫn vốn quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo ra đội ngũ nhân lực hành nghề tư vấn tài chính ngày càng đông đảo, đặc biệt, tạo ra dòng tài chính chính đáng, ổn định, minh bạch cho người dân. Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam trong ba năm qua đã và đang chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, với lĩnh vực tài chính cá nhân, Học viện Ngân hàng đã dành sự quan tâm nhất định trong những năm gần đây.
Cùng với việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức tài chính vi mô, Học viện Ngân hàng còn thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao hiểu biết tài chính cá nhân cho sinh viên, học sinh và người dân cũng như tổ chức các cuộc thi, tọa đàm về tài chính cá nhân hưởng ứng “Ngày tiết kiệm thế giới” hợp tác với Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK)… Các khóa đào tạo và sự thành công của chuỗi sự kiện về tài chính cá nhân vừa qua đã khẳng định sự quan tâm, uy tín, vị thế của Học viện Ngân hàng trong lĩnh vực mới mẻ nhưng rất quan trọng này”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch VFCA cho biết, trong kinh tế thị trường, hệ thống tài chính của bất kỳ quốc gia nào cũng đều có cấu trúc gồm ba trụ cột: Tài chính công, tài chính doanh nghiệp, tài chính cá nhân. Tuy nhiên, ở nước ta, tài chính cá nhân còn chưa được xem trọng. Những vướng mắc trên thị trường tài chính vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng nhìn từ góc độ dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân: (i) Các chủ thể cá nhân tham gia thị trường với tư cách là người bán và người mua đang thiếu hụt kiến thức nền về tài chính và hoạch định tài chính; các chủ thể tham gia thị trường với tư cách nhà tư vấn tài chính nhưng chất lượng chuyên môn, kỹ năng và động cơ tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn mực hoạch định tài chính cá nhân; (ii) Người tư vấn chỉ nói về những ưu điểm của sản phẩm tài chính mà không nói đến những rủi ro, hạn chế sẽ gặp phải; nhà tư vấn tài chính chỉ quan tâm đến doanh số mà xem nhẹ lợi ích của người mua sản phẩm cũng như việc đưa ra các giải pháp tài chính tổng thể.
Đã đến lúc thị trường tài chính đòi hỏi các định chế tài chính, nhà tư vấn tài chính phải nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng tầm hiểu biết về hoạch định tài chính cá nhân để tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của họ.
Điều này thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các định chế tài chính, những người hành nghề tư vấn tài chính và dân trí tài chính để khơi thông dòng chảy cho các sản phẩm tài chính đến được với các cá nhân thụ hưởng, thúc đẩy xã hội phát triển văn minh và bền vững, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; tổ chức cung ứng các dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.
Toàn cảnh diễn đàn |
Trao đổi tại diễn đàn, ThS. Nguyễn Thùy Linh - Trưởng ban Nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học tài chính và quản lý, VFCA thông tin, tăng trưởng tài sản tài chính cá nhân của Việt Nam đang tăng nhanh hơn các nước châu Á khác. Ước tính đến năm 2027, thị trường quản lý gia sản Việt Nam sẽ đạt khoảng 600 tỉ USD. Tuy nhiên, có 85% người dân không hiểu biết hoặc chỉ hiểu biết ở mức sơ bộ, căn bản về quản lý, hoạch định tài chính cá nhân. Việc hiểu biết không đầy đủ là một nguyên nhân dẫn đến tổn thất khi đầu tư hay sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Khảo sát về nhu cầu được tư vấn quản lý, hoạch định tài chính cá nhân, có 93,44% người tham gia khảo sát cho rằng họ có quan tâm đối với quản lý, hoạch định tài chính cá nhân; 55% mong muốn được tiếp cận hoạch định tài chính cá nhân từ các tổ chức tài chính uy tín.
Qua đó, ThS. Trịnh Văn Điển - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, bài toán thúc đẩy nâng cao chất lượng người hành nghề môi giới chứng khoán thành người tư vấn, lập kế hoạch đầu tư cần được xem xét dưới góc nhìn tổng thể mà khách hàng là trọng tâm. Trong đó, đơn vị giáo dục cần bổ sung các chương trình đào tạo theo khung tiêu chuẩn của tư vấn lập kế hoạch đầu tư/hoạch định tài chính/quản lý gia sản chuyên nghiệp; cơ quan quản lý cần bổ sung và phân cấp khung năng lực của người hành nghề môi giới, người tư vấn lập kế hoạch đầu tư giúp khách hàng nhận diện và đánh giá được chất lượng tư vấn; định chế tài chính cần bổ sung các chương trình đào tạo hoạch định tài chính cá nhân và quản lý gia sản. Phát triển có định hướng và lộ trình cho mảng quản lý gia sản.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Hans Nguyễn - Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam cho rằng, hiện trạng năng lực tư vấn của nhà tư vấn tài chính tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện rất nhiều so với trước năm 2020 nhưng vẫn còn khá nhiều tư vấn viên đánh tráo sản phẩm trái phiếu riêng lẻ, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với sản phẩm tiền gửi.
Để nhân viên tư vấn nhận thức tốt hơn, việc trang bị kiến thức tư vấn tài chính là cần thiết, tuy nhiên, công tác truyền thông để nâng cao kiến thức, kỹ năng, ý thức, hành vi, nhận thức của mọi người cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo tại các trường đại học, trung tâm đào tạo để đào tạo cho giảng viên, cập nhật kiến thức tài chính cơ bản cho học sinh, sinh viên, cung cấp kiến thức tài chính và đầu tư cho mọi người cũng như kiến thức tài chính và chuyên môn cho chuyên gia; cung cấp các kỹ năng, kiến thức giúp mọi người biết cách quản lý tài chính, hoạch định tài chính cá nhân.
Làm rõ vai trò, tiêu chuẩn của nhà tư vấn tài chính Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ThS. Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT cho rằng, giá trị lớn nhất mà người tư vấn tài chính mang đến cho khách hàng là: Xây dựng bản kế hoạch tài chính toàn diện; định kỳ kiểm tra tiến độ so với mục tiêu; cải thiện hiệu quả đầu tư, tối ưu thuế và cung cấp các khuyến nghị tài chính tổng quan (dòng tiền, bảo hiểm, tín dụng…). Bắt đầu cho việc tư vấn tài chính, đầu tiên là cần kiểm tra sức khỏe tài chính; người tư vấn tài chính cần có năng lực hiểu khách hàng nhiều hơn. Để tạo ra một lực lượng tư vấn tài chính, ngoài việc đào tạo tại các trường đại học, phát triển đào tạo nội bộ tại các công ty thì sự thay đổi cách tiếp cận khách hàng như tiệm cận vào dòng vốn toàn bộ tài sản của khách hàng cũng rất quan trọng. Nhà tư vấn khi có đủ kiến thức, kỹ năng sẽ được khách hàng trao quyền nắm giữ thông tin tài chính của họ.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, chuẩn đầu ra của cử nhân Hoạch định và tư vấn tài chính phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực tài chính và chuyên ngành hoạch định và tư vấn tài chính; diễn giải thông tin, phản hồi và thích ứng với các tình huống thay đổi, đưa ra các quyết định phức tạp, giải quyết vấn đề, đánh giá hành động trong hoạch định và tư vấn tài chính khách hàng; giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và xây dựng kế hoạch tài chính cho khách hàng gắn với thực hành đạo đức nghề nghiệp, thể hiện trách nhiệm cá nhân và xã hội...
Tại phiên thảo luận “Bàn tròn đối thoại”, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận chuyên sâu, tập trung phân tích kỹ thực trạng chất lượng tư vấn tài chính trên thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn qua, khẳng định rõ xu hướng và đề xuất các giải pháp nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính theo chuẩn quốc tế; đồng thời, cung cấp các căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, tham mưu cho các bên liên quan trọng xây dựng và hoạch định chính sách phát triển lực lượng tư vấn tài chính đúng chuẩn cho thị trường tài chính, thúc đẩy hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam phát triển.
Tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận và vinh danh các học viên đã đạt kỳ thi về năng lực hoạch định tài chính cá nhân do VFCA tổ chức.