Nhân lực dịch vụ tài chính: Nâng cao kỹ năng để bắt nhịp với kỷ nguyên số
Ảnh minh họa |
Dựa trên các kết quả từ cuộc “Khảo sát Mức độ sẵn sàng về Kỹ năng số” do PwC Việt Nam thực hiện vào cuối năm 2020, báo cáo phân tích quan điểm của 160 nhân lực Việt đang làm việc trong ngành dịch vụ tài chính về tương lai việc làm và làm sao để bắt nhịp với những thay đổi trong thời đại số.
Đứng trước những thay đổi cấp thiết
Trong bối cảnh biến động gia tăng, lãnh đạo các tổ chức tài chính lạc quan về tác động của công nghệ đối với việc làm và sẵn sàng đón nhận thay đổi.
Đa số (97%) lãnh đạo cấp cao (C-suite) trong các doanh nghiệp dịch vụ tài chính tham gia khảo sát tin rằng công nghệ sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực tới triển vọng việc làm trong tương lai. Một nửa (50%) dự đoán công việc của họ sẽ thay đổi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn trong mười năm tới – con số này đồng thời cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận những thay đổi về công việc mang tính cấp bách hơn so với các nhóm vị trí khác trong khảo sát, cụ thể ở nhóm Quản lý/Chuyên gia là 30% và Nhân viên văn phòng là 41%.
Quan điểm này về những thay đổi sâu rộng của công nghệ trong mắt các nhà điều hành doanh nghiệp cũng đi cùng với xu hướng toàn cầu. Theo Khảo sát Lãnh đạo doanh nghiệp Toàn cầu lần thứ 24 của PwC, gần một nửa các CEO trên thế giới đang có kế hoạch tăng cường 10% hoặc hơn vào đầu tư dài hạn cho công nghệ, bất chấp những áp lực về chi phí và tác động của đại dịch.
Tại Việt Nam, theo kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa toàn diện, lấy con người làm trung tâm.
Bà Đinh Hồng Hạnh, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính tại PwC Việt Nam nhận định: “Đại dịch COVID-19 đã mang đến cả những gián đoạn và đổi mới đáng kể cho ngành dịch vụ tài chính. Trên toàn cầu và tại Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã có những bước chuyển mình nhanh chóng để hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch. Cùng với đó, các chương trình chuyển đổi số đã và đang được thúc đẩy vượt ra ngoài mọi dự đoán. Những thay đổi này sẽ mang tính lâu dài. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dịch vụ tài chính tại Việt Nam không chỉ thích ứng nhanh nhạy mà còn phải tập trung nhiều hơn vào tài sản quan trọng nhất: nguồn nhân lực.”
Chuẩn bị nguồn nhân lực tương lai
Ngành dịch vụ tài chính có vị thế tốt trong việc nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực tương lai với lực lượng lao động có nhiều mong muốn thích ứng. Theo khảo sát, gần một nửa (49%) người được hỏi hiện ở cấp bậc nhân viên văn phòng cho biết họ có lo ngại lớn về việc tự động hóa sẽ khiến công việc gặp rủi ro. Tỷ lệ tương tự (49%) bày tỏ nguyện vọng được nâng cao kiến thức để sử dụng hiệu quả các công nghệ mới, cao hơn mức trung bình của khảo sát là 43%.
Bên cạnh đó, bức tranh chung về nâng cao năng lực và kỹ năng nguồn nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam phần nào được phản ánh qua kết quả khảo sát. 54% nhân viên từ các tổ chức, doanh nghiệp lớn cho biết họ được trao nhiều cơ hội để nâng cao kỹ năng số. Tỷ lệ này cao hơn so với trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (40%) và doanh nghiệp quy mô vừa (33%) trong cùng ngành.
Mặt khác, 41% người tham gia khảo sát cho biết họ đang tự học các kỹ năng mới để hiểu rõ và sử dụng công nghệ thành thạo hơn. Có thể thấy từ cả góc độ tổ chức và cá nhân, ngành Dịch vụ Tài chính ở Việt Nam đang có những bước chủ động để tiếp cận việc nâng cao kỹ năng và tăng cường năng lực nội bộ.
Ông Võ Tấn Long, Giám đốc Chuyển đổi số, PwC Việt Nam nhận xét: “Công nghệ sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, nhưng không thể khiến con người trở nên dư thừa. Cùng với công nghệ, nhiều công việc mới sẽ xuất hiện, trong khi có những công việc khác sẽ biến mất. Nâng cao năng lực số sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công cho ngành Dịch vụ Tài chính trong tương lai.”