Nhân lực số: Gắn tuyển dụng với đào tạo tại chỗ
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và được xác định là một trong những yếu tố quyết định tới thành công của quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực số là yêu cầu tất yếu hiện nay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa ký Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4/4/2023 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững. Trong đó ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trên thực tế, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, thể hiện ở nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng lớn. Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố vào cuối năm 2022, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trên tổng số lao động của Việt Nam ước tính đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động. Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Thông tin thống kê cho thấy rằng, nhu cầu cho nguồn nhân lực nhóm ngành công nghệ có xu hướng tăng dần theo từng năm, nhưng thực trạng thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng cao vẫn còn là thách thức lớn. Dự báo từ nay đến năm 2024, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 đến 200.000 kỹ sư CNTT mỗi năm. Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, để đẩy mạnh chuyển đổi số hiệu quả, phải có nguồn nhân lực tương xứng. Muốn vậy thì từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150 nghìn nhân lực số trình độ từ cao đẳng trở lên. Hiện tại, mỗi năm chúng ta mới đào tạo được 65 nghìn người, tức là chưa được 50% nhu cầu.
Để giải quyết bài toán này, hiện các cơ sở đào tạo đã và đang liên tục mở rộng tuyển sinh ngành CNTT. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, tính đến nay, đã có 150.000 học sinh, sinh viên theo học tại tất cả các cấp học của Tổ chức Giáo dục FPT.
Làm việc với trường Đại học FPT mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, FPT là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số tại Việt Nam và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ. Từ năm 2006, FPT đã mạnh dạn thành lập Đại học FPT theo mô hình của một trường đại học thế hệ mới, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu - triển khai - ứng dụng; đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành CNTT nói riêng và công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung. Đây là hướng đi đúng, là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam nói chung, của Tập đoàn FPT nói riêng. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện trong đào tạo nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng các bộ ban ngành liên quan phối hợp nghiên cứu, giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhân lực số cho ngân hàng số
Cùng với xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0, ngành Ngân hàng luôn tiên phong trong chuyển đổi số. Theo khảo sát của NHNN, 95% các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số. Và quá trình này mang tới thách thức lớn về nguồn nhân sự.
Ông Gaku Echizenya, CEO của Navigos Group chia sẻ, trong tình hình khó khăn của kinh tế thị trường, cùng với thực trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao trong ngành công nghệ số, ngành Ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt trong mảng tuyển dụng nhân lực số. Trong bối cảnh đó, việc thu hút và giữ chân được các nhân sự giỏi, có kinh nghiệm là một thách thức đối với các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã sớm có kế hoạch xây dựng phương án đào tạo, đào tạo lại nhân sự để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, triển khai các phương án, chương trình đãi ngộ, giữ chân nhân sự chất lượng cao.
Ông Vũ Thành Chung, thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số MB chia sẻ, để phục vụ cho các mục tiêu chuyển đổi số, MB liên tục có nhu cầu tuyển dụng mới. Từ khi hình thành chiến lược chuyển đổi số năm 2017, MB đã luôn chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ để vận hành như một doanh nghiệp số. Vì thế, đào tạo nhân sự là một trong những đầu tư quan trọng nhất của ngân hàng. MB xây dựng hai trung tâm đào tạo và đổi mới sáng tạo được xây dựng hiện đại ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tạo điều kiện tối đa cho công tác đào tạo nhân sự, trang bị năng lực cần thiết cho nhân viên để thực thi chiến lược chuyển đổi số. MB còn chủ động làm việc với nhiều trường đại học để cung cấp nhân sự về CNTT. Năm 2022, MB triển khai trên 80 chương trình đào tạo chuyên sâu, gia tăng trải nghiệm học với hình thức học tập mới - NANO Learning với hơn 200.000 lượt đào tạo. Với đội ngũ nhân sự chất lượng, năm 2022, MB thực hiện chuyển đổi số toàn diện tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số. Ngân hàng tập trung phát triển hệ sinh thái khách hàng trên hai nền tảng App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp), theo đó, lũy kế thu hút gần 20 triệu khách hàng, tăng 54% so với năm 2021. Tỷ trọng giao dịch được thực hiện qua kênh số duy trì mức cao, đạt 95%.
Trong bối cảnh đó, nhân sự chuyển đổi số vẫn luôn là vấn đề nóng đối với các ngân hàng. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện phương án vừa tìm nhân sự mới, vừa đẩy mạnh đào tạo nội bộ để đáp ứng quá trình phát triển. Trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ phải chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng. Để thực hiện, NHNN đã ban hành Quyết định số 1537/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện với nhiều nội dung trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.