Nhân sự ngân hàng sẽ chất hơn lượng
Xu hướng tuyển dụng nhận sự quý I/2022 tích cực | |
Ngân hàng lo giữ chân nhân sự |
TS.Châu Đình Linh |
Báo cáo “Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý IV/2021 và dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý I/2022” do Navigos Group công bố gần đây cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm 2022 của nhóm ngành tài chính - ngân hàng tiếp tục tăng cao để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022. Theo TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tài chính - ngân hàng là một trong những ngành trụ cột của nền kinh tế nên số lượng nhân sự cũng tỷ lệ thuận với quy mô nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh.
Ông nhìn nhận thế nào về nhu cầu nhân sự lĩnh vực tài chính - ngân hàng năm nay?
Nhu cầu tuyển dụng lúc nào cũng có giữa các ngân hàng, giữa nhóm nhân sự bên trong ngân hàng. Song hiện nay tôi thấy đang có sự dịch chuyển. Các ngân hàng đã không tuyển dụng tập trung vào số lượng, ồ ạt như trước mà đề cao vào chất lượng tuyển dụng hơn, đòi hỏi nhân sự phải có hiểu biết am tường về chuyên môn. Đơn cử như mảng tài chính đầu tư thì nhân sự cũng phải có sự hiểu biết khá sâu sắc về chứng khoán, phương pháp đầu tư chứng khoán; hay với tín dụng thì sẽ đi cùng với hoạt động của chuyển đổi số… Những nhân sự nào nắm được kiến thức về Fintech, chuyển đổi số… tất yếu sẽ có sự ưu tiên hơn. Bên cạnh đó, quan sát cũng cho thấy nhiều nhóm ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự liên quan tới quản trị rủi ro, chủ yếu là tầm cỡ chuyên gia…
Nói riêng về nhân sự cấp cao ngân hàng cũng không dễ chiêu mộ được. Vì những cá nhân này ở ngân hàng khác họ cũng được giữ chân bằng nhiều chính sách đãi ngộ khác nhau. Do đó ngân hàng nào có nhu cầu sẽ phải tính toán mở rộng tìm kiếm ở những nguồn khác, đặc biệt là nước ngoài. Thực tế đã có không ít ngân hàng nhắm tới những nhân sự tại Mỹ, Anh Quốc, HongKong… Ví dụ, Giám đốc nhân sự nếu họ có kiến thức chung tốt, có kinh nghiệm và có kỹ năng thực thi sẽ quyết định việc tuyển dụng hay không, chứ không nhất thiết phải là người Việt.
Theo ông việc các ngân hàng đẩy mạnh số hóa sẽ tác động thế nào đến nhu cầu nhân sự thời gian tới?
Có thể nói số lượng nhân sự lúc trước gắn liền với mô hình kinh doanh truyền thống thì ngân hàng vẫn sẽ duy trì. Giờ nếu ngân hàng muốn mở rộng kinh doanh và hướng đến mục tiêu chiến lược chuyển đổi số thì bắt buộc họ phải tăng nhân sự cho chiến lược này. Ngân hàng sẽ có xu hướng tìm kiếm những nhân sự liên quan đến bảo mật thông tin, nhân sự vận hành trên các ứng dụng, am hiểu Big Data, AI, blockchain…
Tôi cho rằng, các ngân hàng ở thời điểm này vẫn sẽ cần song hành hai yếu tố, một mặt vẫn đào tạo lại cho những bộ phận gắn liền với công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để họ có nhận thức đúng và đầy đủ về chuyển đổi số. Mặt khác ngân hàng nên tìm kiếm nhân sự ở những chương trình đào tạo tại các trường đại học, thậm chí có thể tuyển ở nước ngoài. Vì nhu cầu tìm kiếm bây giờ cởi mở hơn trước và hướng tới chất lượng, vị trí công việc cụ thể chứ không phải một người kiêm nhiều việc như trước, nên đòi hỏi năng lực của từng nhân viên cũng sẽ rất cao.
Nhiều ngân hàng hiện đã dần triển khai tự động hoá các quy trình nghiệp vụ bằng robot (RPA). Liệu RPA có thay thế được con người?
Tương lai thì robot, trí tuệ nhân tạo đều có thể làm thay được con người. Song ở thời điểm hiện tại, trong một số công việc cụ thể thì con người thực vẫn có lợi thế hơn, do vậy nên có sự kết hợp giữa máy móc và con người một cách phù hợp nhất. Chẳng hạn, có thể chỉ ứng dụng RPA ở những công việc có tính chất lặp đi lặp lại để nâng cao năng suất lao động.
Ngân hàng vẫn có những khách hàng lớn tuổi, đòi hỏi cần sự tương tác trực tiếp; hay có những sản phẩm dịch vụ cần sự tương tác trực tiếp như khoản vay lớn lên tới tiền tỷ thì vẫn cần có yếu tố thẩm định, đặc biệt là tài sản, phương án kinh doanh… Còn đương nhiên nếu muốn có được sự bứt phá về thị phần trong thời gian tới thì phải có sự chuẩn bị từ bây giờ đối với những tác động từ công nghệ thời đại 4.0.
Xin cảm ơn ông!