Nhiều động thái tích cực trong sản xuất và xuất khẩu
Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu trong tình hình mới Tìm giá trị gia tăng mới trong sản xuất và xuất khẩu |
Nhiều doanh nghiệp đã ổn định lao động, bắt tay vào sản xuất và lên kế hoạch tăng ca từ những ngày đầu trở lại làm việc sau Tết để bảo đảm tiến độ đơn hàng. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), đơn vị đã tổ chức cho công nhân làm việc 2 ca/ngày để kịp tiến độ đơn hàng sau Tết từ ngày mùng 6 Tết. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan cho biết, Vissan tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm là nhằm kịp tiến độ 135 tấn đồ hộp cung cấp cho đơn hàng được đặt.
Cũng vậy, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) cũng cho biết, ngay ngày làm việc đầu năm, GC Food đã nhận được nhiều đơn đặt hàng và công ty đã giao ngay gần 60 tấn hàng hóa các loại cho các khách hàng trong nước. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng hàng bán ra của công ty tăng gấp đôi, là một khởi đầu rất thuận lợi khi có đơn hàng khối lượng lớn, tính bằng
container. Lãnh đạo GC Food cũng cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 ở mức 30%.
Còn tại Tập đoàn Lộc Trời, ngay trước Tết, một thành viên của tập đoàn chính thức trúng thầu đơn hàng 65.000 tấn gạo cho Bulog, cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia. Toàn bộ 3.600 nhân sự của hệ sinh thái Lộc Trời đã ra quân đầu năm để sẵn sàng cho những thành tựu mới.
Riêng với ngành gỗ, triển vọng xuất khẩu lại chưa rõ ràng, đơn hàng cho đầu năm 2024 tuy đã có nhưng nhiều nhà máy vẫn chưa thể chạy hết công suất. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Công ty cổ phần Gỗ Lâm Việt, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương chia sẻ, các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn tỉnh tuy có tăng trưởng nhẹ vào những tháng cuối năm 2023 nhưng vẫn chưa thể phục hồi bằng với những năm trước. Chính vì thế, phải nỗ lực nhiều hơn trong tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, chủ động xây dựng kịch bản thích ứng với những biến động thị trường, lao động, tỷ giá, lãi suất... để kịp thời ứng phó trước những bất lợi.
Ngành dệt may tuy đã có đơn hàng nhưng không dồi dào |
Với dệt may, hiện dù có đơn hàng nhưng không dồi dào. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh, hiện một số nhà mua hàng lớn đang có ý định dịch chuyển chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong số các điểm đến hấp dẫn. Do vậy, doanh nghiệp trong nước kỳ vọng đơn hàng sẽ “sáng sủa” hơn nữa trong thời gian tới. “Hy vọng từ quý II/2024, tình hình đơn hàng sẽ tốt hơn”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, HUBA sẽ tiếp tục thực hiện thường xuyên vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố, cũng như gắn chặt việc kết nối với sở, ngành để thực hiện công tác kết nối hỗ trợ, giải quyết khó khăn trực tiếp của doanh nghiệp; tham vấn cho doanh nghiệp các chính sách có liên quan mật thiết đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự các diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại đầu tư ở nước ngoài để doanh nghiệp gia tăng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm.
Để tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu ngành Công thương tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất với mục tiêu là tăng đầu ra sản phẩm và số lượng đơn hàng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tăng lưu thông hàng hóa làm động lực cho ổn định sản xuất; khẩn trương tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, chiến lược trong năm 2024 của UBND thành phố. Đồng thời, ông cũng yêu cầu ngành công thương thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp quyết tâm vươn lên, đẩy nhanh tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh.