Nhiều thị trường lớn đang tích cực phòng vệ
Ngành gỗ đối diện với điều tra phòng vệ thương mại | |
Hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý các vụ điều tra phòng vệ thương mại | |
Thuế phòng vệ đe dọa ngành gỗ Việt |
Năm 2022, xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh đều tăng trưởng ở mức lần lượt là 9,2% và 3,4% so với năm 2021. Tuy nhiên bên cạnh sự tăng trưởng tích cực về kim ngạch thương mại, Việt Nam cũng gặp thách thức khi hàng hóa xuất khẩu đối diện nhiều hơn với nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Hàng rào thương mại còn tiếp tục gây khó khăn cho các DN, ngành hàng trong bối cảnh xuất khẩu chật vật hơn trong năm 2023.
Nguy cơ gia tăng rào cản thương mại
Bà Nguyễn Trang Nhung, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho hay, theo số liệu cập nhật đến tháng 5/2023, Việt Nam đã đối mặt với 228 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong 6 năm gần đây nhất (tính từ năm 2017 đến nay) Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc.
Nhóm ngành bị điều tra PVTM nhiều nhất là nhóm kim loại cơ bản như thép, nhôm, đồng… Thứ hai là nhóm ngành hoá chất và phụ kiện hỗ trợ. Thứ ba là nhóm nhựa và các sản phẩm cao su. Đây cũng là xu hướng chung trên quy mô toàn cầu. Phân theo quốc gia, hiện Hoa Kỳ đứng số 1 với 53 vụ kiện; tiếp theo là Ấn Độ (30 vụ); Thổ Nhĩ Kỳ (25 vụ); Canada (18 vụ); Australia (18 vụ); EU (14 vụ); Philippines (13 vụ).
Phân theo loại hình thì điều tra chống bán phá giá đứng vị trí số 1 với 126 vụ việc; đứng thứ 2 là điều tra tự vệ với con số 46 vụ; điều tra về chống lẩn tránh 33 vụ; điều tra chống trợ cấp 23 vụ.
Đối với riêng thị trường EU, pháp luật PVTM của khu vực này có từ năm 1968. Năm đầu tiên thị trường này khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam là năm 1998 với sản phẩm giày dép và mì chính. Thông tin về các vụ PVTM mà EU điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bà Nguyễn Trang Nhung cho biết, chúng ta đã phải đối mặt với 6 vụ việc chống bán phá giá; 1 vụ việc chống trợ cấp; 1 vụ việc tự vệ; 6 vụ việc chống lẩn tránh.
Đối với thị trường Vương quốc Anh, bà Nguyễn Việt Hà, Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, sau khi tách ra khỏi EU, Anh đã ngay lập tức xây dựng cơ quan PVTM. Năm 2019 quốc gia này đã có Luật PVTM và các văn bản hướng dẫn thi hành, xây dựng hệ thống thông tin về các biện pháp PVTM chuyển tiếp để tiếp tục áp dụng các biện pháp EU đã áp dụng trước đây.
Thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chịu nhiều biện pháp PVTM |
Nhìn chung, EU là đối tác sử dụng tích cực các biện pháp PVTM, đặc biệt là chống bán phá giá. Mặc dù từ năm 2018 tới nay chưa có vụ việc PVTM mới nào được khởi xướng, nhưng điều đó không có nghĩa là trong tương lai EU và Vương quốc Anh sẽ không điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. “Hiện nay Việt Nam đang có hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) vận hành cực kỳ hiệu quả (EVFTA và UKVFTA). Xuất nhập khẩu song phương tăng mạnh sau khi thực thi hai hiệp định. Với khối lượng gia tăng như vậy thì khả năng thời gian tới các nước sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ hàng hoá sản xuất trong nước là rất dễ xảy ra”, chuyên gia của Bộ Công thương khuyến cáo.
Chủ động thông tin, lường trước kịch bản
Bộ Công thương lưu ý, mặc dù điều tra chống bán phá giá chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các vụ việc PVTM, song hình thức điều tra chống lẩn tránh các biện pháp PVTM lại đang được áp dụng nhiều hơn trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong ngành xuất khẩu đồ gỗ hay thép hiện đang bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra nhiều vụ việc bằng hình thức này. EU từ năm 1998 đã điều tra với sản phẩm mì chính của Việt Nam theo hình thức này.
Về nguyên nhân các vụ kiện lẩn tránh biện pháp PVTM, bà Nguyễn Trang Nhung cho hay là do sự xuất hiện của các FTA thế hệ mới ; việc tăng cường bảo hộ thương mại; xung đột thương mại dẫn đến sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đã làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyền tải bất hợp pháp.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khuyến nghị, khi bất cứ vụ việc PVTM nào được khởi xướng, các DN, hiệp hội, ngành hàng cần tích cực phối hợp với cơ quan quản lý trong việc cung cấp thông tin, số liệu để phục vụ cho lợi ích của chính mình. Vì nếu không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, nhiều khả năng sản phẩm xuất khẩu của cả một ngành hàng sẽ bị áp thuế bất lợi. Ví dụ Hoa Kỳ áp thuế sản phẩm đệm mút với thuế suất lên tới 700%; máy cắt cỏ 200%; túi dệt 500%. Khi bị áp thuế quá cao thì cơ hội xuất khẩu sang các nước này gần như là không còn nữa. Vì vậy DN cần hợp tác điều tra nếu đó là thị trường mục tiêu mà mình hướng đến.
Bên cạnh đó, để tránh tối đa việc bị áp dụng các biện pháp PVTM, DN và ngành hàng cần chủ động tìm hiểu trước về khả năng hoạt động xuất khẩu của mình có gây thiệt hại cho ngành sản xuất của nước nhập khẩu hay không. Theo đó, cần phân tích dựa trên số liệu thống kê sơ bộ, các nghiên cứu liên quan tới nhu cầu thị trường mà mình xuất khẩu vào, từ đó đưa ra dự báo.
Trên thực tế, đã có trường hợp DN xuất khẩu sang một quốc gia nhưng không biết sản phẩm đang bị áp thuế tại quốc gia đó, dẫn tới việc hàng hoá đã cập cảng nhưng đối tác nhập khẩu yêu cầu DN xuất khẩu phải chịu khoản thuế này thì mới nhận hàng. Chuyên gia của Bộ Công thương nêu câu chuyện thực tế và lưu ý rằng, thuế PVTM được hiểu là thuế nhập khẩu tăng thêm đối với một hàng hoá, song song với mức thuế suất đang áp dụng theo các hiệp định. Vì vậy thông thường nghĩa vụ tính thuế thuộc về nhà nhập khẩu, và xác định giá thành sản phẩm thế nào tuỳ thuộc thỏa thuận giữa hai bên. Để tránh việc nhà nhập khẩu yêu cầu DN xuất khẩu phải chịu khoản thuế tăng thêm này, cần lường trước các kịch bản áp thuế có thể xảy ra và quy định trước trong hợp đồng thương mại giữa hai bên.
Ngoài ra, trên thực tế cũng đã có trường hợp DN không xuất khẩu được vào Hoa Kỳ do nhà nhập khẩu không chịu nhận hàng khi biết có thuế bị áp thêm. Khi đó, DN xuất khẩu đã lập tức liên hệ với nhà nhập khẩu ở các nước lân cận để xuất khẩu trực tiếp vào thị trường đó. Đó là các trường hợp thực tế đã xảy ra và DN phải tính toán trước để ứng phó. Chuyên gia của Bộ Công thương cũng nêu một câu chuyện thực tế khác, đó là trong trường hợp nước nhập khẩu chuẩn bị ban hành quyết định sơ bộ để áp thuế đối với một mặt hàng, DN đã biết thông tin đó nhưng vẫn tranh thủ tăng cường xuất khẩu trước khi quyết định được ban hành để tránh việc bị áp thuế. Khi đó nước nhập khẩu vẫn sẽ theo dõi số liệu và áp thuế lùi thời điểm so với dự tính. DN không thể tránh được nghĩa vụ nộp thuế nếu nước sở tại xác định sẽ đánh thuế.