Thuế phòng vệ đe dọa ngành gỗ Việt
Để ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt phát triển bền vững | |
Ngành gỗ vẫn là điểm sáng xuất khẩu | |
Ngành gỗ và kỳ vọng bứt phá |
Theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về kết quả điều tra sản phẩm gỗ dán được làm từ gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ bị khởi kiện có xuất xứ Trung Quốc. Theo DOC, mặt hàng được cho là sản xuất thành phẩm hoặc bán thành phẩm ở Trung Quốc, hoàn thiện ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ để né tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Ảnh minh họa |
DOC cho rằng, trong thời gian cơ quan này điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại Việt Nam chưa tích cực hợp tác, chỉ có 21 doanh nghiệp hợp tác điều tra, 36 doanh nghiệp còn lại không phản hồi hoặc không hợp tác.
Phía DOC cho biết, trước khi cơ quan này đưa ra phán quyết sơ bộ, gần 40 doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam (sản xuất, xuất khẩu các loại tủ bếp, tủ nhà tắm…) đã gửi bản giải thích cho phía Mỹ để giải thích về nguồn gốc, xuất xứ, sự khác biệt về mã sản phẩm. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn điều tra nên không được DOC chấp thuận.
Theo dự kiến, vào giữa tháng 10/2022, DOC sẽ ban hành phán xét cuối cùng về việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với gỗ dán làm từ nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Nếu phán quyết này chính thức được phía Mỹ đưa ra, theo ông Ngô Sỹ Hoài - Tổng Thư ký Viforest, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2022 và các năm sau sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi hiện tại, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Trong năm 2021, thị trường này nhập khẩu 9 tỷ USD các sản phẩm gỗ và nội thất, chiếm khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản của cả nước. Trong đó, riêng gỗ dán có kim ngạch xuất sang Mỹ đạt khoảng 522 triệu USD.
Quan sát từ thị trường cho thấy, trong số các doanh nghiệp bị phía DOC từ chối bản giải trình bao gồm cả các doanh nghiệp lớn như: CTCP Chế biến gỗ Thuận An, Công ty TNHH Tân Phước, Saigon River Factory, Giang Minh, Mifaco… Vì thế, việc Mỹ rục rịch áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ, trước mắt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn trong năm 2022 và cả năm sau.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết, Viforest đã khảo sát nhanh trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hiện đã có 33 doanh nghiệp phản hồi rằng họ đã bắt đầu phải cắt giảm hoạt động sản xuất. Từ khi DOC điều tra chống bán phá giá đến nay, doanh thu của nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao đã sụt giảm nghiêm trọng ở mức 30-40%. Thậm chí một số doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu khó trụ vững nếu tình trạng kéo dài.
Ông Điền Quang Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) cho rằng, việc Mỹ tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là bình thường. Tuy nhiên, thời gian qua do căng thẳng Mỹ - Trung, việc xem xét nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ chặt chẽ hơn để đánh giá có liên quan đến Trung Quốc hay không.
Thực tế theo ông Hiệp, từ khi Mỹ nghi vấn, điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn uy tín, có tài chính và đầu tư tốt đều đã nhận thức được cần hạn chế nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các kênh thông tin cập nhật chưa kịp thời từ các đối tác khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động. Mặc dù vậy, nếu Bộ Công Thương và Viforest tích cực đàm phán, trao đổi với phía Mỹ thì có thể sẽ làm sáng tỏ được vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm gỗ Việt, tạo ra sự công bằng cạnh tranh.
Đồng quan điểm, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương cho rằng, hiện nay không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia đang có sự điều chỉnh, thay đổi về phòng vệ thương mại. Do đó, khi đứng trước các cáo buộc từ nước nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia vào quá trình điều tra để hạn chế số lượng doanh nghiệp bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp.
Riêng đối với ngành gỗ, Bộ Công Thương đang hỗ trợ các doanh nghiệp làm lại bản giải trình, đồng thời tích cực liên hệ với DOC để giải thích và làm rõ thông tin nước này đưa ra. Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nối lại thị trường truyền thống và duy trì mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm nay.