Ngành gỗ đối diện với điều tra phòng vệ thương mại
Cần chủ động với điều tra phòng vệ thương mại | |
Chủ động trước phòng vệ thương mại |
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trên thế giới, hiện đang có khoảng 7.500 điều tra phòng vệ thương mại, xuất nhập khẩu. Trong đó, có khoảng 2/3 số vụ điều tra có sự áp dụng phòng vệ thương mại. Trong đó, có nhiều gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ đã bị điều tra như gỗ tấm, gỗ xẻ, gỗ tròn, gỗ dán, gỗ MDF; hoặc các sản phẩm như nội thất trong phòng ngủ, gỗ dán tường cũng đã bị điều tra.
Trong bối cảnh nhiều sản phẩm gỗ trên thế giới bị đánh thuế cao, là đối tượng bị áp dụng biện pháp phòng vệ, Việt Nam luôn phải đối diện với nguy cơ trở thành đối tượng mở rộng để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện biện pháp phòng vệ thương mại với ngành gỗ được áp dụng trong hai trường hợp: Hành vi chủ động gian lận và hành vi bị mở rộng điều tra gian lận của nước nhập khẩu.
Ảnh minh họa |
Đối với hành vi chủ động gian lận, hàng hoá vốn bị áp dụng biện pháp phòng vệ của nước khác, nhưng khi chuyển sang nước nhận chuyển dịch, bản chất chỉ là gian lận xuất xứ, không có hoạt động chế biến gì thêm, không tạo giá trị gia tăng, chỉ chuyển đổi xuất xứ để xuất hàng hoá đi nhằm trốn tránh thuế.
Với trường hợp hành vi bị mở rộng điều tra gian lận của nước nhập khẩu, trên thực tế biện pháp phòng vệ thương mại mở rộng cho nước thứ 3, kể cả khi doanh nghiệp, sản phẩm đó có sản xuất tại Việt Nam, tạo giá trị gia tăng tại Việt Nam, đủ điều kiện xuất xứ C/O tại Việt Nam, nhưng theo quy định của các nước, kể cả đáp ứng C/O nước ta thì vẫn bị nước nhập khẩu, đánh thuế áp đặt phòng vệ thương mại, dù đáp ứng C/O nhưng gia tăng tại Việt Nam không đáng kể.
Trong trường hợp thứ hai, rất cần hỗ trợ doanh nghiệp để chứng minh rằng hàm lượng giá trị gia tăng ở Việt Nam đủ lớn để không phải chịu các điều tra, áp thuế.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, ngành gỗ Việt Nam có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết là các DNNVV và có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam hiện đang hội nhập rất sâu rộng vào thị trường thương mại toàn cầu, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, cùng với đó có rất nhiều quốc gia đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ, tự vệ. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cần tăng cường công tác quản trị, sử dụng tiện ích, công nghệ số để minh bạch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp cần áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại để khi luôn có các bằng chứng, hóa đơn, chứng từ chứng minh khi cần thiết.
Cũng theo ông Hoài, cho đến nay, một số doanh nghiệp ngành gỗ chưa thực sự quan tâm và còn yếu kém trong việc đối phó với các vụ kiện ở thị trường lớn. Doanh nghiệp Việt thường yếu về kiến thức luật pháp quốc tế, yếu ngoại ngữ, tin học nên rất ngại phải đương đầu với rắc rối. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã bỏ cuộc, hoặc khai báo không đầy đủ, không nhất quán dẫn đến trạng “tình ngay lý gian”. Như vụ điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới đây với gỗ dán cứng của Việt Nam. Các nước nhập khẩu nghi ngờ một số doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm hoàn chỉnh vào nước ta để gian lận thuế. Tuy nhiên, khi được hỏi thì các doanh nghiệp Việt không lý giải được vấn đề, không cung cấp được hóa đơn chứng từ nhất quán để chứng mình sự minh bạch của mình.
Ông Chu Thắng Trung cho rằng, để phòng vệ thương mại được tốt, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường năng lực để đáp ứng được các điều tra của phía nước ngoài.