Nhiều ưu đãi cho chuỗi liên kết nông nghiệp
Phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp an toàn |
Trong giai đoạn 2026-2030, ngân sách TP. Hồ Chí Minh sẽ dành hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh lĩnh vực này.
Từ đầu tháng 10/2023 vừa qua, các địa phương tại TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai nhiều hoạt động đầu tư nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động hỗ trợ này được thực hiện theo các quy định của Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND của TP. Hồ Chí Minh - một trong những cơ sở pháp lý nhằm cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời kết hợp vận dụng các điểm mới từ Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có thể được hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng để xây dựng và phát triển |
Một trong những điểm nổi bật của chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà TP. Hồ Chí Minh vừa triển khai là ngân sách địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chi phí xây dựng các mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân. Trong đó, chi phí được hỗ trợ tối đa là 300 triệu đồng/dự án. Ngoài ra, các dự án cũng sẽ nhận được phần hỗ trợ 30% chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng nhà xưởng sơ chế, bến bãi vận chuyển… với tổng chi phí hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/dựa án.
Quan trọng hơn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ này, thành phố sẽ vận dụng một số quy định về cơ chế đặc thù Nghị quyết 98/2023/QH15 để tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp của các dự án liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, cho biết với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị sản xuất nông nghiệp lên mức 900 triệu - 1 tỷ đồng/hecta, ngành nông nghiệp thành phố sẽ kết hợp chặt chẽ các chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 14, hiện nay TP. Hồ Chí Minh cũng đã bố trí khoảng gần 520 tỷ đồng (giai đoạn 2023-2026) để hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Các hợp tác xã nông nghiệp thụ hưởng từ chính sách này sẽ là hạt nhân để tạo dựng các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Ngoài ra, hiện thành phố cũng đã và đang sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Trong đó, dự kiến ngân sách địa phương sẽ chi hỗ trợ từ 60-100% lãi suất vay đối với chủ đầu tư, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm các chủ đầu tư dự án phát triển sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; chủ đầu tư sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực với hợp tác xã…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, từ 2006-2021, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị (sử dụng ngân sách địa phương) đã phát huy hiệu quả rất tích cực.
Trong giai đoạn 2018-2021, bình quân vốn đầu tư khoảng 1,38 tỷ đồng đồng/hộ/phương án và bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay là 815 triệu đồng/hộ/lượt vay. Đây là mức hỗ trợ cao nhất đối với nhóm kinh tế tập thể và hộ gia đình sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Vì thế, khi chính sách ưu đãi lãi vay nhằm khuyến khích chuyển dịch kinh tế nông nghiệp đô thị được nối lại, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng có thể nâng tổng vốn đầu tư đối với các dự án liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi lên mức trên 1,5 tỷ đồng/hộ/phương án và mức vay khoảng hơn 900 triệu - 1 tỷ đồng/lượt vay. Từ đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh có thể có đủ nguồn vốn đầu tư toàn diện khi tham gia vào các mô hình liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.