Nhà khoa học mong muốn doanh nghiệp đặt hàng
Ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ thuộc các nhóm lĩnh vực như lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, lâm nghiệp... |
Chiều ngày 10/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân".
Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua.
Tại diễn đàn, TS Nguyễn Công Tiệp - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, bên cạnh việc đào tạo, học viện tăng cường các hoạt động nghiên cứu với phương châm nghiên cứu cái thị trường cần.
10 năm qua, học viện đã có 53 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ; 163 sản phẩm có tính tiềm năng có thể thương mại hóa. Công bố gần 3.000 bài báo khoa học công nghệ trên các trang tạp chí trên thế giới. Học viện hiện đang hợp tác, liên doanh với khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng học viện để chúng tôi từ nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, nâng cao giá trị nông sản", TS Nguyễn Công Tiệp chia sẻ.
GS.TS. Võ Đại Hải - Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam nêu 5 vấn đề để thúc đẩy kết nối, chuyển giao kết quả sản phẩm khoa học công nghệ.
GS. TS Võ Đại Hải cho rằng muốn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó, các nhà khoa học, quản lý, đề xuất các nhiệm vụ và có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.
Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự đổi mới trong tổ chức thực hiện. Sau khi xác nhận sự phối hợp của doanh nghiệp, việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, tiến hành sản xuất thử nghiệm và triển khai trong dự án khuyến nông là một chuỗi quan trọng để chuyển giao kết quả.
Ví dụ như giống keo tai tượng nhập Australia được các chuyên gia quốc tế đánh gia cao, giống của Việt Nam đã đạt năng suất và chất lượng vượt trội.
Thứ ba, ông Hải cho rằng muốn kết nối, chuyển giao khoa học công nghệ, công tác tuyền thông cần thực hiện tốt. Ông cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để số hóa các sản phẩm khoa học công nghệ để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Thứ tư, cần thay đổi cách tiếp cận, doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở chiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy khoa học công nghệ.
Cuối cùng là trong hợp tác, liên kết chuyển giao khoa học công nghệ cần đặt chữ Tín lên hàng đầu.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý, đến diễn đàn không phải phát biểu, mà là kết nối.
“Thế giới này bao la lắm, trong phòng họp hôm nay, nhiều người có lẽ mới lần đầu gặp nhau. Không cần sở hữu trí tuệ, nguồn lực Nhà nước, hãy "đánh trống, khua chiêng" lên, tự người ta sẽ đến, sẽ biết. Doanh nghiệp cần thành lập bộ phận truyền thông, thông tin đến khách hàng, đến doanh nghiệp khác. Đừng chờ đợi, đừng bị động”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần “hợp tác để kết nối”, và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”. “Tại sao phải gọi đó là thị trường? Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Người ta nói trăm người bán vạn người mua mới ra cái chợ, chứ không phải có vài ba ông là thành chợ. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại.
"Chúng ta phải nghĩ, phải làm tốt hơn nữa. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ. Không có khoa học công nghệ là hỏng, là chúng ta tự mắc vào cái bẫy “ tự bằng lòng”. Phải nghĩ còn làm được tốt hơn không, làm mới hơn không. Cái mới hôm nay, vài ba năm nữa lại phải cải tiến tiếp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Tại diễn đàn, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là nội dung ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ thuộc các nhóm lĩnh vực như lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, thủy sản, cơ điện - công nghệ sau thu hoạch, thủy lợi - phòng chống thiên tai.