NHTW Nhật duy trì chính sách siêu nới lỏng
NHTW Nhật duy trì chính sách siêu nới lỏng |
Giữ nguyên chính sách siêu nới lỏng
Tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày thứ Ba (23/1), BoJ không thay đổi mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và mục tiêu lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là khoảng 0%, song cho phép có thể tăng trên 1%.
Mặc dù Nhật Bản đã chứng kiến lạm phát vượt quá mục tiêu 2% của BoJ trong hơn một năm, nhưng Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã nhấn mạnh sự cần thiết phải trì hoãn việc tăng lãi suất cho đến khi có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát sẽ duy trì ở mức 2% trong một thời gian dài cùng với mức tăng trưởng tiền lương vững chắc.
NHTW Nhật Bản |
Cũng có thể hiểu sự thận trọng của BoJ một phần cũng bởi lịch sử 25 năm giảm phát của Nhật Bản đã làm suy yếu tăng trưởng tiền lương và thúc giục NHTW tiếp tục tăng cường kích thích. Lần gần đây nhất mà BoJ tăng lãi suất là vào năm 2007, thế nhưng động thái này sau đó bị các chính trị gia chỉ trích là quá sớm.
Trên thực tế, một báo cáo của BoJ cho thấy một số công ty nhỏ hơn ở khu vực vẫn thận trọng với việc tăng lương, khiến các nhà hoạch định chính sách thận trọng trong việc chấm dứt lãi suất âm quá sớm.
Chưa hết dữ liệu được công bố hôm 22/1 cho thấy, hoạt động của khu vực dịch vụ giảm 0,7% trong tháng 11 so với tháng trước, nhấn mạnh sự yếu kém trong tiêu dùng. Trong khi sản lượng của nhà máy có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc cũng như sự suy giảm của kinh tế toàn cầu. Thực tế đó cho thấy nền kinh tế Nhật vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và điều này càng khiến BoJ thêm đắn đo với việc tăng lãi suất.
Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities, nhận thấy khả năng ngày càng tăng là Nhật Bản có thể phải chịu suy thoái hai quý liên tiếp trong tháng 10 và tháng 12 do sản lượng và tiêu dùng yếu. Có nghĩa là BoJ có thể cần chờ dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tháng 10 và tháng 12 vào tháng 2 trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh chính sách.
Chờ tín hiệu từ tiền lương
“BoJ quyết định giữ nguyên (chính sách tiền tệ nới lỏng) có lẽ vì họ muốn có thêm bằng chứng về một chu kỳ tăng trưởng tiền lương và giá cả hợp lý sẽ được duy trì”, Izuru Kato, nhà kinh tế trưởng tại Totan Research cho biết.
Trong báo cáo triển vọng hàng quý, BoJ đã cắt giảm dự báo lạm phát tiêu dùng cốt lõi cho năm tài chính bắt đầu vào tháng 4 xuống 2,4% từ mức 2,8% như dự kiến trước đó vào tháng 10. Tuy nhiên, họ không thay đổi dự báo rằng chỉ số đo lường xu hướng lạm phát sẽ đạt 1,9% trong năm tài chính 2024 và 2025, nhấn mạnh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng để đáp ứng lạm phát 2% một cách bền vững.
“Lạm phát tiêu dùng có thể sẽ tăng dần theo mục tiêu của BoJ khi khoảng cách sản lượng chuyển sang tích cực và khi kỳ vọng lạm phát trung và dài hạn cũng như tăng trưởng tiền lương tăng cao”, BoJ cho biết trong báo cáo triển vọng.
Các cuộc khảo sát và nhận xét từ các nhà vận động hành lang kinh doanh cũng cho thấy nhiều khả năng mức tăng lương mùa xuân của Nhật Bản sẽ cao hơn mức cao nhất trong 30 năm qua là 3,58% đối với các công ty lớn - một điều kiện tiên quyết quan trọng do BoJ đặt ra để thoát khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.
Nhưng một yếu tố khác, vốn cũng được xem là một điều kiện để BoJ có thể cân nhắc tăng lãi suất, đó là giá dịch vụ tăng đều đặn, vẫn chưa chắc chắn. Theo đó, mặc dù giá dịch vụ đã tăng lên, nhưng mức tăng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi của du lịch trong nước hoặc nơi tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
“Cơ hội để Nhật Bản chứng kiến chu kỳ lạm phát tiền lương tích cực bắt đầu đang tăng lên”, Seisaku Kameda, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của BoJ cho biết. “Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có được duy trì hay không, đây là điều mà BoJ có thể muốn xem xét kỹ lưỡng”, Kameda nói và cho biết thêm ông dự đoán lãi suất âm sẽ kết thúc vào tháng 3 hoặc tháng 4.