Những thách thức trong đảm bảo an toàn bảo mật
Chuyển đổi số bước vào giai đoạn bùng nổ
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời điểm này, hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang bước vào giai đoạn bùng nổ.
So với cùng kỳ, trong hai tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,14% về số lượng, qua kênh internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị; qua phương thức quét mã QR tăng 142,06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị.
Theo đó, hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập, kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế, qua đó đã mang lại các trải nghiệm liền mạch và nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Đồng thời, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm đã được số hóa toàn diện, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số.
Hiện nay ở nhiều ngân hàng đã ghi nhận hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30% - 40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số.
Thời gian tới, xu hướng này sẽ còn được tiếp tục tăng mạnh. Dự báo đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường dịch vụ tài chính số. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và có thể trở thành thị trường rất hấp dẫn cho các sản phẩm Fintech”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.
Những thách thức, khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong quá trình đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, các ngân hàng cũng gặp phải những thách thức không nhỏ trong việc ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận của tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
“Thời gian gần đây, các vụ tội phạm công nghệ cao không ngừng gia tăng, dù việc ngân hàng đã áp dụng các giải pháp công nghệ bảo mật mới nhất và thường xuyên cảnh báo tới khách hàng cần bảo mật thông tin trong quá trình giao dịch” - ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về những thách thức trong việc chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng số của một NHTM cho biết, hiện nay, ở nhiều ngân hàng vẫn còn thiếu nhân sự để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng đứng trước áp lực lớn trong việc phải thường xuyên cải tiến, nâng cấp hệ thống để đáp ứng sự phát triển ngành càng nhanh, mạnh mẽ của các công nghệ mới...
Ngoài ra, hiện nay, các quy định pháp lý còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này cũng cản trở lớn đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại.
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan đến ngân hàng số, giao dịch điện tử một cách đồng bộ, toàn diện, qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lĩnh vực ngân hàng số phát triển.
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật của một số đơn vị trong và ngoài Ngành vẫn là những hệ thống cũ, không đảm bảo sự tương thích cho chuyển đổi số và việc thiếu hụt các tiêu chuẩn chung dẫn tới thách thức cho việc tích hợp và kết nối, liên thông giữa các đơn vị trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ số hóa. Vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật xuyên suốt trong quá trình cung ứng dịch vụ tới khách hàng; việc thiếu hụt nhân sự trình độ cao cũng như cạnh tranh nhân sự trong tuyển dụng và sự cân bằng về hiệu quả trong đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số... cũng đang là những thách thức với ngành Ngân hàng.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới ngành Ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo, đầu tư công nghệ hiện đại nhưng luôn đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Ngoài ra, các TCTD cần kiện toàn bộ máy CNTT các cấp theo hướng chuyên môn hóa, làm chủ công nghệ, hạn chế sự phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài; Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin; Đào tạo, huấn luyện nâng cao kỹ năng xử lý rủi ro cho nhân viên; xây dựng quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông một cách chặt chẽ, khoa học và chuyên nghiệp; Tăng cường công tác kiểm toán nội bộ đảm bảo an toàn các hoạt động nghiệp vụ và hạ tầng CNTT.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực. So với cùng kỳ, trong hai tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,14% về số lượng, qua kênh internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị; qua phương thức quét mã QR tăng 142,06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị. Bên cạnh những mặt tích cực, theo các chuyên gia, trong quá trình đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, các ngân hàng cũng gặp phải những thách thức không nhỏ về vấn đề pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, các hành vi lừa đảo của tội phạm nhắm đến khách hàng ngày càng tinh vi. |