Nỗ lực giữ CASA
Cạnh tranh CASA ngày càng khốc liệt | |
Ngân hàng cải thiện CASA | |
Thu hút CASA: Cần lối đi riêng |
Báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, có tới 23/28 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sụt giảm trong năm qua. Đáng chú ý, không chỉ những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng đứng đầu về CASA cũng ghi nhận xu hướng giảm trong năm 2022.
Đơn cử như Techcombank, nhà băng này từng giữ vị trí đứng đầu trong suốt 2 năm liền về tỷ lệ CASA, nhưng với việc tiền gửi không kỳ hạn liên tục giảm kể từ quý II/2022, tỷ lệ CASA từ mức kỷ lục 50,5% giảm về còn 37% vào cuối năm 2022 đã khiến ngân hàng này mất “ngôi vương” vào tay MB. Đáng chú ý, ngay cả “tân vương” MB cũng ghi nhận CASA sụt giảm, từ 48,7% vào cuối năm 2021 xuống còn 40,6% cuối năm 2022.
Lạm phát cao khiến thu nhập thực tế của người dân giảm, góp phần kéo giảm CASA |
Theo nhận định tại Báo cáo mới nhất được WiGroup công bố, trong năm 2022 lợi nhuận của nhóm NHTM lớn giảm 14,5% dưới áp lực của việc chi phí lãi gia tăng đột biến do việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ không còn dễ dàng như giai đoạn trước. Nhất là tỷ lệ CASA năm 2022 có xu hướng giảm tại hầu hết các NHTM, đặc biệt trong các tháng cuối năm.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cũng phân tích, một trong những nguyên nhân khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn của hầu hết ngân hàng sụt giảm mạnh là do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh vì không có đơn hàng nên không để nhiều tiền gửi thanh toán. Trong khi lạm phát tăng cao cũng khiến thu nhập thực tế của người dân sụt giảm. Chưa hết doanh nghiệp, lãi suất cao sẽ khiến họ khó tiếp cận dòng vốn ngân hàng, dẫn đến việc phải rút nguồn tiền sẵn có về phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Nhận định tình hình thu hút CASA thời gian tới, CTCK Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng tiền gửi CASA vẫn sẽ ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 và sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023.
Nếu nhìn vào mức biến động CASA trong năm 2022 có thể thấy, khối NHTM nhà nước có mức sụt giảm gần như không đáng kể, đơn cử như Vietcombank đã thu hẹp khoảng cách với nhóm top đầu từ khoảng 15% so với trước kia, xuống chỉ còn chưa đến 1,5%. WiGroup cho rằng cuộc đua về tỷ lệ CASA năm 2023 sẽ tiếp tục có lợi cho các NHTM quốc doanh nhờ vào những lợi thế sẵn có và sự thay đổi trong chính sách về phí dịch vụ của các đơn vị này.
Theo chuyên gia, năm 2023, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”, chính vì vậy ngành Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức có thể lớn hơn năm 2022. Do đó việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh của các nhà băng chắc chắn không dễ dàng. Vị chuyên gia này cho rằng, CASA là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định vị thế và tiềm lực của một ngân hàng. Bởi CASA càng cao, chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, giúp ngân hàng có được lợi thế cạnh tranh với đối thủ, có khả năng chống chọi với cú sốc tốt hơn. Chính vì vậy, các ngân hàng rất tích cực để có biện pháp thu hút nguồn vốn rẻ này.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phải rất nỗ lực để có thể thu hút CASA bởi lẽ yếu tố cạnh tranh đang ngày càng lớn. Các nhà băng đều không tiếc tay tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích người dùng mở tài khoản, sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử với phí 0 đồng… Hiện dịch vụ thanh toán, chuyển tiền của ngân hàng gần như đã miễn phí hoàn toàn. Chính vì vậy, ngoài miễn giảm phí thì các nhà băng cần những cách làm riêng. Đơn cử như thay vì khuyến khích người dùng mở tài khoản dẫn đến tình trạng nhiều người mở tài khoản không sử dụng, lượng tài khoản “ảo” lớn, CASA không tăng mà lại tốn nhiều chi phí quản lý, các ngân hàng cần đầu tư mạnh hơn về dịch vụ thanh toán, tư vấn, chăm sóc khách hàng. Thông qua nhiều cách như lập đội nhân viên riêng để tư vấn cho khách hàng VIP, cùng nhiều dịch vụ đi kèm như bảo lãnh, bao thanh toán… Cùng với đó là tích cực đầu tư ngân hàng số, gia tăng trải nghiệm khách hàng, tăng hiệu quả và sự tiện lợi khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng nên tăng cường liên kết cùng các trang thương mại điện tử, khuyến khích khách hàng thanh toán qua ứng dụng ngân hàng. Đặc biệt, cần đi sâu vào phân khúc khách hàng ở lĩnh vực thế mạnh và thiết kế sản phẩm dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong các lĩnh vực trọng tâm này. Bởi khi sản phẩm, dịch vụ bám sát nhu cầu của khách hàng thì sẽ được đón nhận và sử dụng nhiều hơn, kéo theo các hoạt động thanh toán hàng ngày cũng như các hoạt động khác gia tăng, từ đó thúc đẩy CASA tăng theo.