Nỗ lực hút vốn ngoại
Chiến lược dài hạn
Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là mục tiêu bấy lâu nay của hầu hết các ngân hàng trong nước. Lý do là bởi bên cạnh việc tăng vốn còn là kỳ vọng các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ hỗ trợ ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đơn cử, trong năm 2020, OCB đã hoàn tất bán 15% cổ phần cho Aozora Bank (Nhật Bản); MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư nước ngoài; HDBank chào bán trái phiếu chuyển đổi cho DEG (Đức). Năm 2019 cũng ghi nhận 2 thương vụ là Vietcombank bán 3% cổ phiếu cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank Ltd; BIDV bán 15% cổ phần cho Keb Hana Bank… Bước sang năm 2021, quan sát tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của các ngân hàng vừa diễn ra, có thể thấy khá nhiều nhà băng đưa ra kế hoạch thu hút vốn ngoại.
SHB đang dành tối đa 20% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài |
Như ở ĐHĐCĐ của VPBank diễn ra cuối tháng 4 vừa qua đã thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại công ty con FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản. Hay tại OCB, trong kế hoạch tăng khoảng 32% vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, ngân hàng này dự định chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. ĐHĐCĐ LienVietPostBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 9,99%. Trong khi nhiều ngân hàng khác như Nam A Bank, SCB, VietCapitalBank, NCB… cũng đang có những kế hoạch riêng để tìm kiếm, lựa chọn đối tác ngoại cho mình.
Với mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, không ít nhà băng đã “tạm khóa” room ngoại của mình. Chẳng hạn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã có xác nhận về tính hợp lệ của hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VPBank, theo đó nhà băng này đã giới hạn room ngoại chỉ là 15%. Như vậy, VPBank được cho là đang kiếm tìm đối tác chiến lược nước ngoài để chào bán riêng lẻ. Theo Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng, ngân hàng vẫn đang có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nhiều khả năng sẽ sử dụng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB cũng cho biết, để tìm kiếm, lựa chọn những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực phù hợp, hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông, khách hàng, ngân hàng, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của SHB đã thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại SHB không quá 20% vốn điều lệ; chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài của SHB tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam là 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược. HĐQT của SHB cũng đã trình và được các cổ đông đồng thuận phương án tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tương tự, Techcombank cũng khóa room ngoại ở mức 22,5%; VIB ở mức 20,5%; HDBank cũng điều chỉnh room từ 30% xuống 21,5%...
Nâng cao tín nhiệm
Một chuyên gia tài chính – ngân hàng nhìn nhận, các NHTMCP cần phải nhận thức rằng việc xây dựng thương hiệu không chỉ đơn thuần thông qua các hình thức quảng cáo, khuyến mãi, mà quan trọng nằm ở chính chất lượng dịch vụ, uy tín, tiềm lực của mình. “Thương hiệu càng uy tín thì càng có khả năng hấp dẫn được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thì cơ hội để hút thêm vốn ngoại càng được mở rộng hơn”, chuyên gia này chia sẻ.
Trên thực tế, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD đã được cải thiện tích cực, năng lực quản trị điều hành của các nhà băng cũng được nâng cao. Theo đó, các thông tin về sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản trị, quản lý rủi ro đã được các TCTD thực hiện công bố công khai, minh bạch, chính xác hơn, đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật và dần tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đặc biệt hiện các ngân hàng đang nỗ lực triển khai Basel II, thậm chí đến nay đã có 13 ngân hàng công bố hoàn thành 3 trụ cột của Basel II và một số nhà băng đang có những bước chuẩn bị có thể để áp dụng chuẩn mực của Basel III. Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, quản trị rủi ro được các TCTD ngày một chú trọng hơn, đi cùng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua đẩy mạnh triển khai ngân hàng số, chuyển đổi thẻ chip, TTKDTM…
Những nỗ lực của các ngân hàng trong nước cũng đã được ghi nhận bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Chẳng hạn mới đây, Moody’s thông báo đang xem xét nâng hạng tất cả đánh giá dài hạn về VPBank và FE Credit. Trong đợt đánh giá cuối tháng 4/2021, tổ chức này cũng đã công bố nâng xếp hạng tiền gửi dài hạn (cả nội tệ và ngoại tệ) và nhà phát hành của MSB từ B2 lên B1, đồng thời triển vọng của hai hạng mục này đều được đánh giá là “ổn định”. Trước đó vào tháng 3/2021, Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm cho 15 ngân hàng Việt Nam…
Hoạt động an toàn, hiệu quả đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam chẳng những vững vàng vượt bão Covid-19, mà còn triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch này. Theo đó ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tiếp 3 lần các mức lãi suất điều hành với quy mô tương đối lớn. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia có phản ứng CSTT nhanh nhạy, điều chỉnh cắt giảm lãi suất điều hành mạnh nhất. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch này, NHNN cũng đã nhanh chóng ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ để giúp người dân và doanh nghiệp ứng phó với đại dịch.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc, tích cực triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Theo giới chuyên gia, chính những nỗ lực và khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh điều kiện ngặt nghèo của nền kinh tế cũng góp phần thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại.