Nỗ lực nhưng cần cẩn trọng
Xuất khẩu khẩu trang: Cơ hội mới của dệt may | |
Cổ phiếu dệt may có còn hấp dẫn? | |
Nỗi lo của doanh nghiệp dệt may |
Hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang liên hệ tìm đối tác để xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế vào thị trường châu Âu (EU).
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU. Do đó việc sản xuất theo kiểu “phong trào” rất có thể sẽ không vào được thị trường EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.
Sản xuất khẩu trang để tiếp tục duy trì sản xuất |
Trước thực tế này, mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra khuyến nghị tới các doanh nghiệp. Trước đó, bộ cũng đã có cảnh báo đến doanh nghiệp trong việc đầu tư quy mô lớn cho sản xuất khẩu trang vải, dù Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất lớn trên thế giới về mặt hàng này.
Tình trạng cũng tương tự đối với các ngành sản xuất thiết bị vật tư y tế khác. Với những kết quả trong phòng, chống dịch bệnh xuất sắc của nước ta, cơ hội cho phát triển lĩnh vực này trong đại dịch và cả sau đại dịch là không hề nhỏ.
Báo cáo của các doanh nghiệp trọng yếu thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, trong thời gian từ trung tuần tháng 3/2020, hai thị trường lớn nhập khẩu dệt may của Việt Nam là Mỹ, EU, chiếm lần lượt 50% và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đã rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, khiến nhu cầu mua sắm đột ngột suy giảm mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng hầu hết các đơn vị thiếu việc làm trong thời gian tới.
Tình hình này đang tạo áp lực rất lớn lên tất cả các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam cả về tài chính và lao động. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp, dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Thiệt hại ước tính với ngành dệt may lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020. Còn nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng dệt may Việt Nam sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng, theo Vinatex.
Ở khía cạnh khác, ngành dệt may Việt Nam hiện cũng đang nhập khẩu trung bình 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng, với giả thiết khách hàng hủy 20% đơn hàng, dự tính ngành có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển. Thì đến hết năm 2020, số hàng tồn kho trong hai tháng 4 và tháng 5 của toàn ngành sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD (riêng Vinatex mất khoảng 24 triệu USD).
Vinatex tính toán, nếu dịch Covid-19 kết thúc vào cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020, ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng (còn tập đoàn thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng).
Trước thực trạng trên, bên cạnh đáp ứng các đơn hàng với các sản phẩm may mặc truyền thống, Vinatex đã tận dụng năng lực của một số đơn vị thành viên như Dệt kim Đông Xuân, Dệt kim Đông Phương, Dệt lụa Nam Định sản xuất nguyên liệu vải dệt kim kháng khuẩn, các đơn vị May 10, May Hưng Yên, Hòa Thọ, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hanosimex, Dệt May Huế… để may khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn - một mặt hàng hoàn toàn mới phục vụ cộng đồng.
Sau hai tháng 2 và 3/2020, các đơn vị thành viên thuộc tập đoàn đã phát triển hai dòng khẩu trang vải phòng dịch cung ứng ra thị trường nội địa, đạt 60 triệu chiếc, tính đến ngày 9/4/2020. Với năng lực sản xuất có thể đạt tới 100 triệu khẩu trang/tháng, phục vụ lâu dài công tác phòng chống dịch.
Vì dịch bệnh đang lan rộng ra khắp 209 quốc gia với hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh (tính đến ngày 9/4), do đó nhu cầu tiêu thụ khẩu trang trên thế giới ngày càng tăng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nhanh nhạy, chủ động nhập cuộc sản xuất khẩu trang với đa dạng chủng loại từ khẩu trang vải thông thường, khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn, khẩu trang vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc và gần đây nhất là khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn, tránh được tia UV, tạo được sự tin cậy nơi người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất-nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may hiện nay, việc sản xuất và xuất khẩu khẩu trang vải đang là giải pháp giúp doanh nghiệp có thể cầm cự, giữ chân công nhân, khi thiếu đơn hàng, sản xuất bị đình trệ. Thậm chí Bộ Công thương đã vào cuộc, tích cực đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, khẩu trang chỉ nên coi là mặt hàng tình thế và phải sẵn sàng chuyển đổi về các sản phẩm truyền thống khi hết dịch,
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đồng tình rằng, khi dịch bệnh qua đi, chuỗi cung ứng được khôi phục, nhu cầu đối với mặt hàng này chắc chắn sẽ không còn cao nữa, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong chiến lược kinh doanh.
Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tới Việt Nam mà còn thay đổi cả chuỗi sản xuất của ngành dệt may toàn cầu.
Đây chính là thời điểm để thúc đẩy phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước, thay thế nhập khẩu.
Cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong đợi rằng, nhiều chính sách tích cực và hiệu quả sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.