Nỗi lo của doanh nghiệp dệt may
Doanh nghiệp dệt may chủ động đổi mới công nghệ | |
Xuất khẩu dệt may sẽ không đạt mục tiêu 40 tỷ USD | |
Ngành dệt may thu hút công nghệ mới |
Sức ép từ nhiều phía
Trong 10 năm trở lại đây, ngành dệt may luôn đạt tăng trưởng khá, bình quân trên 15%. Tuy nhiên, trong năm 2019, các DN dệt may lại gặp khó khăn rất lớn. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các DN trong ngành đang chịu sức ép rất lớn cả từ bên trong lẫn bên ngoài khiến năng lực cạnh tranh giảm, thiếu đơn hàng và mất nhiều lợi thế cạnh tranh... Trong năm 2020, để tháo gỡ được mối lo này, cần có những chủ trương chính sách phù hợp.
Theo dự báo của Vitas, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 39 tỷ USD, tăng hơn 7,5% so với năm 2018, giảm 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra. Việt Nam cũng đã ghi tên là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. Mặc dù đạt được mức tăng trưởng khá nhưng theo đánh giá, năm 2019 là năm các DN sản xuất sợi tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ không tăng, giá giảm, dẫn đến nhiều DN chịu thua lỗ. Các DN đã phải chịu nhiều sức ép không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay trên chính thị trường trong nước.
Ngành dệt may còn rất nhiều việc phải làm |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, thời gian qua là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam. Các DN thiếu đơn hàng, giá gia công giảm sâu chưa từng có, ngành sợi vừa bị giảm giá lại không bán được hàng. Bên cạnh đó, hàng may Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh so với các nước xuất khẩu (cùng trong top 4) là Ấn Độ và Bangladesh. Vì thế, không ít đơn hàng may gia công tại Việt Nam bị khách hàng có xu hướng chuyển dịch sang 2 quốc gia này (gây ra tình trạng thiếu đơn hàng). Cùng với đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành sợi Việt Nam thời gian qua. Mặt hàng sợi, vải của Trung Quốc nằm trong gói 200 tỷ USD bị Mỹ áp thuế 10% từ ngày 24/9/2018 và ngày 10/5/2019 bị nâng lên 25%. Trong khi đó, khoảng 60% sợi xuất khẩu ra nước ngoài của Việt Nam là xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn có những biến động tài chính cũng làm cho hiệu quả của các DN Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc giảm. Với những tác động đó, đã có những đơn vị thua lỗ hàng trăm tỷ và nhiều DN có nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản.
Trên thực tế, mặc dù thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam là khá lớn và Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên tình trạng khan hiếm đơn hàng vẫn diễn ra khá phổ biến tại các DN dệt may Việt Nam và xảy ra ngay cả ở các DN lớn như, May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè... Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành dệt may Việt Nam rất khó tận dụng các cơ hội về giảm thuế cho hàng dệt may xuất khẩu, mặc dù Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại đa phương (CPTPP; Việt Nam - EU...) hoặc song phương (Việt Nam - Nhật Bản; Việt Nam - Hàn Quốc…), vì hầu hết các hiệp định này đều quy định về hàng hóa dệt may Việt Nam chỉ được miễn, giảm thuế nếu có xuất xứ từ sợi (hoặc từ vải) sản xuất tại Việt Nam.
Nhiều thách thức trước mắt
Không chỉ nỗi lo về lợi thế cạnh tranh từ các thị trường xuất khẩu, theo Vitas, ngành còn đang đối mặt với nhiều thách thức nội tại trong nước. Các địa phương hiện chưa thật sự tạo điều kiện cho DN dệt may đầu tư vào địa phương vì cho rằng hoạt động của các DN này làm ảnh hưởng đến môi trường và nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn do đông người lao động. Cùng với đó, DN dệt may Việt Nam vừa nhỏ về quy mô lại vừa thiếu tiềm lực tài chính, công nghệ và kỹ thuật, do vậy năng suất lao động bình quân thấp so với các nước trong khu vực. Các chi phí đầu vào liên tục tăng làm suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Lại nữa, tại thị trường nội địa, các DN lại đang phải căng sức cạnh tranh với hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng được dán mác và thương hiệu hàng Việt Nam. Đặc biệt, nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam và có ưu thế cạnh tranh vượt trội so với hàng trong nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2020, thị trường dệt may toàn cầu vẫn chịu những tác động không nhỏ từ thương chiến Mỹ-Trung. Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD trong năm 2020 và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD. Để đạt được con số này, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các DN dệt may. Ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, ngành dệt may phải tháo gỡ những nút thắt về nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt, tức phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do này. Cùng với đó là các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề môi trường...
Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập và phát triển trong cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi DN phải tự đổi mới mình, tức là đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành… có như thế mới đủ sức cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác. Hiện nay, DN dệt may đang bị mất đi nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, các DN rất trông chờ vào những chủ trương, chính sách phù hợp, tạo thêm điều kiện để trụ vững và tiếp tục cạnh tranh, phát triển và hội nhập vào chuỗi hàng hóa dệt may thế giới.
Năm 2020, thị trường dệt may toàn cầu vẫn chịu những tác động không nhỏ từ thương chiến Mỹ-Trung. Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD trong năm 2020 và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD. Để đạt được con số này, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các DN dệt may. |