Cổ phiếu dệt may có còn hấp dẫn?
Chứng khoán sáng 6/2: Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và dệt may đua nhau bứt phá | |
Nỗi lo của doanh nghiệp dệt may |
Dịch virus corona dù không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, vì hầu hết các công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc; tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
Nhìn lại diễn biến cổ phiếu trong ngành, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, chỉ số tăng trưởng cổ phiếu ngành dệt may giảm 2,8% trong năm 2019. Các chuyên gia đánh giá mức độ ưu tiên đầu tư vào ngành ở mức trung lập, thậm chí kém khả quan do chi phí lao động tăng và ảnh hưởng tức thời từ các hiệp định FTA được ký kết chưa đáng kể.
“Nhiều cổ phiếu hoạt động tốt trong 6 tháng năm 2019 nhờ kết quả kinh doanh đáng khích lệ do đà tăng trưởng của năm 2018. Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại trở nên căng thẳng trong nửa cuối năm 2019, đồng Nhân dân tệ mất giá, nhu cầu sợi từ Trung Quốc sụt giảm đã khiến các nhà máy sản xuất sợi phải bán phá giá và hàng may mặc của Việt Nam rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, tâm lý người tiêu dùng bất ổn, VGT (cổ phiếu lớn nhất trong ngành) giảm 10,7% trong năm do lợi nhuận ròng giảm 18% so với năm trước. MSH, STK và TNG tăng lần lượt 18%, 18% và 7% nhờ lợi nhuận ròng tăng mạnh trong 9 tháng 2019”, bà Phương phân tích.
Về triển vọng năm 2020, The McKinsey Global Fashion Index dự đoán doanh thu ngành thời trang thế giới đạt mức tăng trưởng hàng năm là tăng 3-4% trong năm 2020, so với mức 3,54% trong năm 2019. Mức dự báo thấp hơn phản ánh người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn trong bối cảnh bất ổn về nền kinh tế vĩ mô lớn hơn và những đe dọa từ chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra. Tại thị trường Mỹ và EU, tâm lý người tiêu dùng bất ổn trong khi ở thị trường mới nổi châu Á - Thái Bình Dương tương đối mạnh nhưng tăng trưởng cũng giảm dần. Lợi ích kinh tế sẽ tiếp tục chảy vào một nhóm nhỏ các công ty hàng đầu được lựa chọn, trong khi các công ty tầm trung càng bị chèn ép.
Đối với Việt Nam, ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt 41,5 tỷ USD đến 42 tỷ USD trong năm 2020 (tăng 6,4% - 7,7% so với năm 2019). Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) và các chi nhánh đặt mục tiêu hoàn thành 50,9 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 3,5% so với năm 2019) và 1,55 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 11,3%). Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hầu hết các công ty vẫn đang đàm phán cho các đơn hàng đến quý 2/2020 (chủ yếu là do cạnh tranh về giá), không giống các năm trước.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu có thể được đẩy nhanh khi các đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra, đặc biệt là ở các thị trường mới được hưởng lợi từ CPTPP như Canada và Australia.
Song, các chuyên gia chứng khoán cũng lưu ý đến một số vấn đề và rủi ro của ngành này khi mức lương tối thiểu tiếp tục tăng khoảng 5,1%-5,7% trong năm 2020, với tốc độ tương tự như mức tăng năm 2019. Theo VITAS, Việt Nam đã nâng mức lương tối thiểu lên 12 lần kể từ năm 2008. Khi nhiều nhà máy có vốn đầu tư FDI dịch chuyển và thành lập tại Việt Nam, khả năng cạnh tranh về lương sẽ trở nên khốc liệt hơn giữa các công ty trong nước và các công ty có vốn đầu tư FDI, đẩy lạm phát tiền lương cao hơn và ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty. Ngoài ra, chi phí điện và chi phí vận chuyển cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (60%) máy móc, nguyên vật liệu và phụ kiện gốc từ CPTPP (sợi chuyển tiếp) và EVFTA (vải chuyển tiếp), các công ty may mặc không có chuỗi giá trị tích hợp đầy đủ ở Việt Nam sẽ không nhận thấy tác động ngay lập tức, vì các công ty này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc.