Nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục
Cơ quan này cho biết sự kết hợp giữa mức nợ cao và lãi suất tăng đã làm tăng chi phí trả nợ, gây quan ngại về rủi ro trong hệ thống tài chính.
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất trong hơn một năm qua nhằm kiềm chế lạm phát “cao ngất ngưởng”. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng này đã nâng lãi suất lên phạm vi 5-5,25%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2007.
“Với các điều kiện tài chính thắt chặt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, một cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ khiến tỷ lệ vỡ nợ cao hơn và dẫn đến nhiều ‘công ty xác sống’ hơn...”, báo cáo Theo dõi nợ toàn cầu hàng quý của IIF cho biết.
Các “công ty xác sống” là những công ty có thu nhập đủ để cho phép nó tiếp tục hoạt động và trả lãi cho khoản nợ của mình, nhưng không trả hết nợ, nghĩa là bất kỳ khoản tiền mặt nào được tạo ra sẽ ngay lập tức được chi trả nợ. Do đó, công ty “không chết cũng không sống”.
Gánh nặng nợ toàn cầu tăng mạnh trong quý I/2023, đánh dấu mức tăng hàng quý thứ hai liên tiếp.
“Với tổng nợ gần 305 nghìn tỷ đô la, nợ toàn cầu hiện cao hơn 45 nghìn tỷ đô la so với mức trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh. Nhưng bất chấp những lo ngại về khả năng khủng hoảng tín dụng sau những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và Thụy Sĩ, nhu cầu vay của các chính phủ vẫn tăng cao”, IIF cho biết.
Tổ chức có trụ sở tại Washington, DC này cho biết dân số già, chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng… đang gây áp lực lên bảng cân đối kế toán của các chính phủ. IIF cũng dự báo chi tiêu quốc phòng sẽ tăng trong trung hạn do căng thẳng địa chính trị gia tăng, điều này có khả năng ảnh hưởng đến tín nhiệm tín dụng của cả chính phủ và người vay doanh nghiệp.
“Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ có tác động đáng kể đối với thị trường nợ quốc tế, đặc biệt nếu lãi suất vẫn cao hơn trong thời gian dài hơn”, Báo cáo lưu ý.
Tổng nợ tại các thị trường mới nổi cũng đạt mức cao kỷ lục mới hơn 100 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 250% GDP, tăng từ mức 75 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia đóng góp lớn nhất.
Tại các thị trường phát triển, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Anh có mức tăng mạnh nhất trong quý I.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng đã làm bộc lộ tình trạng thanh khoản yếu kém tại một số ngân hàng vừa và nhỏ ở Mỹ, dẫn đến hàng loạt vụ phá sản và phải cứu trợ tài chính trong những tháng gần đây. Sự hoảng loạn sau đó của thị trường cuối cùng đã lan sang châu Âu với việc buộc phải bán khẩn cấp gã khổng lồ ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse cho UBS.
IIF gợi ý rằng các tập đoàn đã trải qua một “cuộc khủng hoảng thích ứng” với cái mà nó gọi là “chế độ tiền tệ mới”.
“Mặc dù những thất bại gần đây của các ngân hàng có vẻ mang tính đặc thù hơn là mang tính hệ thống - các tổ chức tài chính Mỹ mang nợ ít hơn nhiều (78% GDP) so với giai đoạn chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng 2007-2008 (110% vào năm 2006) - nỗi sợ hãi về sự lây lan đã thúc đẩy đáng kể hành động rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực của Mỹ”, IIF cho biết. “Với vai trò trung tâm của hoạt động trung gian tín dụng ở Mỹ, những lo ngại về thanh khoản có thể khiến các ngân hàng khu vực giảm mạnh trong hoạt động cho vay đối với một số phân khúc, bao gồm cả các hộ gia đình và doanh nghiệp chưa được tiếp cận với ngân hàng”.
IIF cho biết, việc thu hẹp các điều kiện tín dụng này có thể ảnh hưởng đặc biệt đến các doanh nghiệp nhỏ, cùng với việc gây ra tỷ lệ vỡ nợ cao hơn và nhiều “công ty xác sống” hơn.
“Chúng tôi ước tính rằng khoảng 14% công ty niêm yết tại Mỹ có thể coi là “xác sống”, với một phần đáng kể trong số này hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin”.