OCOP: Cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hợp tác xã
Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP: Giao thương trực tuyến phát huy thế mạnh | |
Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP | |
Phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới |
Hỗ trợ, hoàn thiện sản phẩm OCOP
Năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (one commune, one product - OCOP) đến năm 2030. Đây được xem là cơ hội để các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) định hướng sản xuất lẫn tham gia xây dựng sản phẩm. Nội dung đề án có các chương trình như: khởi động và triển khai OCOP; phát triển sản phẩm và các tổ chức kinh tế tham gia, hoàn thiện hệ thống tổ chức, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP; thực hiện công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm, dịch vụ OCOP; xây dựng và khai thác các tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố và nguồn vốn thực hiện OCOP.
Giai đoạn 2019-2025, thành phố tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ, hoàn thiện 26 sản phẩm OCOP; phát triển mới từ 3-5 sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững và có ít nhất 1 sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia OCOP cấp quốc gia; hình thành ít nhất một làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn mới kiễu mẫu kết hợp với bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa phục vụ du lịch sinh thái nông nghiệp. Giai đoạn 2026-2030, OCOP hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp ít nhất 54 sản phẩm có thế mạnh tham gia OCOP trên địa bàn thành phố; phát triển từ 5-8 sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững; phát triển 3-5 làng du lịch sinh thái. Đến năm 2030, thành phố phấn đấu có trên 90% sản phẩm OCOP cấp thành phố được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã hình thành 2 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố |
Sau hơn một năm triển khai đề án, cuối năm 2020 UBND TP. Đà Nẵng lần đầu tiên đã công bố và trao giấy chứng nhận cho 18 sản phẩm của 18 cơ sở sản xuất trên địa bàn được đánh giá và phân hạng sản phẩm đặc trưng OCOP. Theo đó, có 7 sản phẩm OCOP được công nhận và phân hạng 4 sao: chả cá thu chiên của Công ty TNHH Bắc Đẩu (quận Sơn Trà); tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh của HTX Công nghệ cao Mặt trời Việt (quận Sơn Trà); nước mắm nhĩ Bình Minh của HTX Mắm Bình Minh (quận Liên Chiểu); nước mắm Hương Làng Cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (quận Liên Chiểu); bánh khô mè Bà Liễu Mẹ của cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (quận Cẩm Lệ); nước uống ion kiềm Ion-pro của Công ty TNHH SX&TM Toàn Gia Phú (huyện Hòa Vang); tré ông Chánh của hộ sản xuất tré ông Chánh (quận Hải Châu) và 11 sản phẩm OCOP được công nhận và phân hạng 3 sao.
Mới đây, trong khuôn khổ của chương trình "Kết nối cung - cầu Đà Nẵng 2021" , UBND TP. Đà Nẵng đã trao chứng nhận thêm 8 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 4 sản phẩm được công nhận 4 sao gồm: Chả mực và cá đét khô (Công ty TNHH Bắc Đẩu), Đông trùng hạ thảo khô - sấy thăng hoa Dr. Trung (Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed), Bánh dừa nướng đậu phộng (Cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương) và 4 sản phẩm được công nhận 3 sao. Riêng HTX Dịch vụ, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (huyện Hòa Vang) được trao chứng nhận sản phẩm trồng trọt hữu cơ. Đây là cơ sở sản xuất nông sản đầu tiên đạt chứng nhận trồng trọt hữu cơ của TP.Đà Nẵng.
Kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã hình thành 2 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Sinh, Giám đốc HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ An Hải Đông cho biết. Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP không chỉ là nơi giới thiệu, bán sản phẩm mà còn là nơi giao lưu giữa các HTX, DN, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX cũng như các DN trao đổi, chia sẻ thông tin để làm sản phẩm tốt hơn và quyết tâm làm sản phẩm được công nhận OCOP.
Bà Đinh Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc HTX Công nghệ cao Mặt trời Việt một trong những HTX có sản phẩm OCOP 4 sao đang trưng bày và bán tại điểm giới thiệu chia sẻ: Sau khi được thành phố công nhận, phân hạng OCOP 4 sao, sản phẩm tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh của HTX có thêm nhiều kênh tiêu thụ. HTX đã có kế hoạch nâng cấp sản phẩm, đặc biệt là chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. HTX cũng đã tham gia bán hàng qua kênh thương mại điện tử để có thể tăng tính tương tác sản phẩm với người tiêu dùng, đáp ứng thị trường hiện nay. Tương tự, sau hơn 3 tháng sản phẩm nước mắm nhĩ Bình Minh của HTX Mắm Bình Minh (quận Liên Chiểu) được công nhận, phân hạng OCOP 4 sao, sản phẩm này được biết đến và tiêu thụ nhiều hơn. Giám đốc HTX Nguyễn Việt Dũng cho biết: Sử dụng 100% cá cơm than được thu mua trực tiếp từ các ngư dân đánh bắt ven biển rồi ngâm ủ theo phương thức thủ công truyền thống của làng Nam Ô, sau đó chắt lọc và đóng chai, HTX đang tiến hành đầu tư mở rộng để nâng sản lượng sản phẩm. Sắp tới HTX sẽ bổ sung, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đầu tư thêm một số trang thiết bị, nhãn mác...
Ngoài việc triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là chương trình “Kết nối hàng Việt - OCOP Đà Nẵng 2020” tổ chức tại Siêu thị Mega Market Đà Nẵng với quy mô 60 gian hàng của gần 100 doanh nghiệp với hàng trăm sản phẩm OCOP của 21 tỉnh, thành trong cả nước. Qua chương trình kết nối cung cầu, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội quảng bá sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, đến các nhà phân phối để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Sau chương trình, một số sản phẩm đã được giới thiệu, bán tại hệ thống phân phối BigC, Coopmart, cửa hàng tự chọn… tại Đà Nẵng.
Mới đây, chương trình "Kết nối, giao thương trực tuyến giới thiệu, quảng bá hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giữa TP. Đà Nẵng và các tỉnh Phú Yên, Kon Tum" đã được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Gần 200 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 60 doanh nghiệp tham gia. Chương trình do Sở Công thương thành phố phối hợp Sở Công thương tỉnh Phú Yên, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến Thương mại tỉnh Kon Tum và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức với mong muốn tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng của ba địa phương. Đây là cơ hội để các DN, HTX tìm kiếm giải pháp thông tin, quảng bá hình ảnh thương hiệu, tạo sự kết nối thị trường tiêu thụ đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở sản xuất gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, chương trình lần này nhằm giúp các các DN, HTX có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, quảng bá sản phẩm của đơn vị mình, kết nối giao thương, không chỉ tại thị trường Đà Nẵng mà mở rộng thị trường các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh, Sở Công thương còn hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế logo, bao bì sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất hàng nông sản; hỗ trợ xây dựng giải pháp truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm cho sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản, tổ chức các lớp về thương mại điện tử và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, giải pháp chợ phiên online… Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho rằng, thời gian tới, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng nhiều điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm và tư vấn để lan tỏa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản, chủ lực của Đà Nẵng.