Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP: Giao thương trực tuyến phát huy thế mạnh
Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP | |
Phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới | |
Để Chương trình OCOP phát triển bền vững |
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, trong những năm gần đây OCOP của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận được tổng số 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, và 306 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội còn khá đa dạng với nhiều lĩnh vực, ngành hàng như thực phẩm, hàng lưu niệm, nội thất trang trí… Đặc biệt Chương trình OCOP của Hà Nội những năm qua đã thu hút sự tham gia, đồng hành phát triển của 72 DN, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên do dịch Covid-19 kéo dài, TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, rất nhiều sản phẩm OCOP, cùng các nông sản, thực phẩm an toàn khác đã đến thời vụ thu hoạch nhưng bị gián đoạn hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Các sản phẩm đang bị tồn, ứ hàng nghìn tấn hàng đang cần tìm đầu ra tiêu thụ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra của sản phẩm khiến nhiều HTX, DN và người dân gặp khó khăn.
Cần quảng bá sâu rộng cho người tiêu dùng sản phẩm OCOP |
Bà Nguyễn Thị Mai, Tổng Giám đốc CTCP Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì) cho biết, với thế mạnh về chăn nuôi bò sữa, công ty đã chủ động bám sát Chương trình OCOP và tập trung xây dựng những sản phẩm đạt chất lượng tốt. Các sản phẩm từ sữa của cơ sở trên đều đã được đánh giá, chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao trong Chương trình OCOP. Theo bà Nguyễn Thị Mai, để những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ngày càng đến với đông đảo người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ khâu quảng bá, tuyên truyền sản phẩm qua các kênh khác nhau.
Có thể thấy, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp đang rất được quan tâm. Nhằm hỗ trợ các huyện, thị xã kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch và kịp thời phục vụ nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới và nhiều đơn vị tổ chức các diễn đàn trực tuyến để đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, chương trình "Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến" là giải pháp kịp thời hỗ trợ các chủ thể OCOP và nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền được kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ qua hơn 2 giờ đồng hồ thực hiện kết nối qua hình thức trực tuyến trên nền tảng ZOOM và được phát sóng trực tiếp trên kênh Fanpage OCOP LIVE; Fanpage VTC NOW và kênh Youtube VTC NOW của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn đã thu hút hàng vạn khách hàng tham gia trải nghiệm mua sắm và đã có trên 1.000 đơn hàng được chốt thành công.
Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, việc thực hiện triển khai kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn bằng hình thức trực tuyến tuy mới nhưng đem lại hiệu quả rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Thông qua các chương trình giới thiệu, livestream bán hàng đã tạo ấn tượng và niềm tin không nhỏ từ người tiêu dùng. Một lượng lớn đơn đặt hàng, cùng các kết nối giao dịch giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đã được thực hiện trực tuyến góp phần đưa sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch kịp thời phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, cùng với phát triển số lượng, Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm OCOP. Từ nay đến cuối năm 2021, sở sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các chương trình kết nối trực tuyến nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ, khắc phục tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn Hà Nội, bảo đảm đầy đủ nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu cho người dân Thủ đô.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)