Phân bổ ngân sách năm 2019: Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản
Ảnh minh họa |
Theo Nghị quyết này, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2019 là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 được phân theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương. Phân bổ số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo các phụ lục số 4, 5, 6 và 7 kèm theo Nghị quyết.
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; Căn cứ Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương cho các dự án của từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu và kinh phí sự nghiệp còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu Ứng phó với Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, đảm bảo yêu cầu thời gian phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2018-2020, thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.
Đối với việc giám sát và kiểm toán việc phân bổ ngân sách trung ương, Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiến hành Kiểm toán việc thực hiện phân bổ ngân sách trung ương đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trước khi Nghị quyết được thông qua, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của NSNN, xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, bố trí vốn thanh toán theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra; có chế tài xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc kéo dài thời gian không giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về các khoản nợ Chính phủ, Chính phủ bảo lãnh, khoản nợ BHXH, các khoản nợ chính sách, trong thời gian qua, mặc dù thu NSTW khó khăn, nhưng Chính phủ đã quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, trình Quốc hội bố trí chi NSNN hàng năm ưu tiên chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn. Báo cáo dự toán NSNN năm 2019 trình Quốc hội đã báo cáo phương án chi trả khoản nợ 22.000 tỷ đồng của BHXH, từ năm 2018, bố trí trả nợ dần, cả gốc và lãi. Đối với các khoản trả gốc, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội việc chi trả đầy đủ, đúng hạn.
Về nợ đọng XDCB, thực hiện quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, theo đó bố trí vốn để thanh toán nợ đọng XDCB là ưu tiên hàng đầu. Theo báo cáo của Chính phủ, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí 9.069,305 tỷ đồng để thanh toán số nợ đọng XDCB nguồn NSTW. Tuy nhiên, đúng như các ĐBQH đã nêu, nợ XDCB chưa xử lý được dứt điểm, đến hết năm 2018 số nợ đọng XDCB còn lại khoảng 2.800 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và quy định về nội dung giao Chính phủ: “Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTW; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản” tại khoản 9 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết.