Phân khúc bất động sản nào sẽ là điểm sáng của thị trường TP. Hồ Chí Minh
Thị trường văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh tuy có tăng nhưng không đáng kể, điều đó thể hiện qua lượng diện tích trống còn rất ít, nhu cầu là luôn luôn có dù vẫn có nhiều khách ra, và điều đó tạo nên sự cân bằng cho thị trường văn phòng.
Đến cuối 2020, nguồn cung đạt hơn 2,3 triệu m2, tăng 7% theo quý và 12% theo năm. Trong năm qua, thị trường ghi nhận thêm 1 dự án Hạng A và 7 dự án Hạng B, cung ứng khoảng 139.000 m2 diện tích cho thuê thuần. Tăng trưởng kinh tế của thành phố là động lực thu hút các chủ đầu tư vào phân khúc văn phòng cho thuê. Trong 5 năm qua, nguồn cung đã tăng bình quân 9%/năm.
Bên cạnh đó, thị trường ghi nhận xu hướng trả văn phòng đối với các lựa chọn văn phòng hạng A, hoặc chuyển đổi sang diện tích nhỏ hơn, hoặc những toà nhà thấp hơn.
Nhận định về xu hướng này, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam chia sẻ: “Thị trường đang chứng kiến một số lượng khách chuyển sang những toà nhà thấp hạng hơn và shophouse để giảm bớt chi phí cho thuê nhằm tiếp tục hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu mới vẫn có và một số khách thuê vẫn có nhu cầu mở rộng, điều này khiến cho phân khúc hạng A và B duy trì ổn định. Mặc dù có sự giảm về công suất nhưng là không đáng kể”.
Còn trong phân khúc văn phòng chia sẻ (co-working space), báo cáo của Savills cũng chỉ ra sự đầu tư và hoạt động khá thận trọng của mảng dịch vụ văn phòng này. Đến cuối 2020, công suất hoạt động của không gian làm việc chung (Co-working) tại các tòa nhà Hạng A và B đã giảm 7 điểm phần trăm theo năm và giá thuê giảm 12% theo năm. WeWork ngừng cho thuê 1 địa điểm tại Quận 1 và Up trì hoãn kế hoạch mở thêm hai địa điểm tại Quận 7.
Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6% theo năm. Nguồn cung tăng chậm chỉ 6% theo năm. Các không gian làm việc chung với quy mô trung bình 1.800m2/địa điểm là các khách thuê lớn của phân khúc văn phòng. Tuy nhiên, các nhà điều hành Co-working đang thận trọng hơn sau khi nguồn cung tăng mạnh 100%/năm giai đoạn 2017-2019.
Bà Trang cũng chia sẻ thêm: “COVID-19 đã và đang tác động đến một bộ phận các doanh nghiệp nhất định chứ không phải toàn bộ tất cả các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản, tài chính, truyền thông, công nghệ thông tin. Savills đã ghi nhận được một lượng lớn nhu cầu về diện tích cho thuê từ một số ngành trong năm 2020 cao hơn so với 2019.
Tuy nhiên, đối với các ngành dịch vụ và khách sạn hay du lịch, việc giảm diện tích là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đó cũng là một cơ hội để các khách thuê mong muốn tìm những diện tích hạng A, hạng B thì bây giờ là một thời điểm rất tốt để họ đạt được mong muốn đó với mức giá tốt hơn trước trong năm 2020".
Nhìn chung, 2020 là một năm thử thách đối với phân khúc văn phòng. Mặc dù vậy, nhờ việc kiểm soát rất tốt dịch bệnh trong nước, cùng những hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ đã giúp cho nền kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn hoạt động hiệu quả và ổn định.
Đến 2023, thị trường văn phòng dự kiến sẽ ghi nhận thêm 325.000 m2 diện tích sàn, trong đó, nguồn cung năm 2021 chiếm hơn 60%. Tỷ lệ trống ước tính sẽ tiếp tục tăng trong 2021 khi một lượng lớn nguồn cung mới gia nhập trong bối cảnh nhu cầu hạn chế. Tuy nhiên, theo dự báo của FocusEconomics, tăng trưởng GDP Việt Nam trung bình năm sẽ đạt 6,9%/năm trong ba năm tới, niềm tin và vị thế chủ đầu tư sẽ tiếp tục được củng cố.
Diện tích đã cho thuê tăng 7% theo năm trong khi nguồn cung tăng 12% theo năm. Giá thuê trung bình tăng 2% theo năm, phản ánh niềm tin của chủ đầu tư trước các dự báo kinh tế tích cực. Nhiều chủ đầu tư giữ giá chào thuê không đổi hoặc thậm chí tăng giá đối với các diện tích mới trả ra sau thời gian dài lấp đầy. Tuy nhiên, diện tích trống tăng dần cũng tiếp tục củng cố vị thế thương lượng của khách thuê.