Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng chính sách mang lại sinh kế, cải thiện đời sống người nghèo
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131 về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước và “trụ cột” quan trọng của hệ thống chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội ở Việt Nam.
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 401 năm 2016 và Quyết định số 1630 năm 2021 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư.
Cùng với các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước, NHCSXH đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư và Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành; phổ biến, quán triệt, và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao của cả hệ thống. Nhờ đó, đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ; hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 10 năm qua đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là quy mô nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát triển, đến nay đạt 373 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị, bình quân tăng trưởng nguồn vốn hằng năm đạt 10,8%; tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt hơn 733 nghìn tỷ đồng.
Hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng ngày càng được hoàn thiện, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40, NHCSXH đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương rà soát, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng mới, từng bước mở rộng đối tượng vay, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu, định hướng của Ban Bí thư; Duy trì và không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức hoạt động đặc thù; chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được duy trì ở mức thấp (giảm từ 0,93%/tổng dư nợ khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị xuống còn 0,56%/tổng dư nợ).
Trong 10 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người nghèo, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, trong đó nổi bật là giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Để có được những kết quả tích cực đó là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra tại Báo cáo tổng kết, thông qua các ý kiến phát biểu, đặc biệt là bài phát biểu của đồng chí Phạm Minh Chính, tôi cho rằng việc triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40 trong những năm tới vẫn là điểm tựa quan trọng trong triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Vì vậy, để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tại trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.
Trước những biến đổi phức tạp, khó lường của bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó, cần xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đây là việc làm sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách, trong suốt quá trình phát triển của đất nước.