Phát triển bền vững: Chưa thể yên tâm với những gì đạt được
Hàng loạt thách thức
Theo nghiên cứu đánh giá về tiến trình của Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (UN ESCAP) thực hiện, về tổng quan thì từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030, nhất là về xóa đói giảm nghèo; cung cấp nước sạch và vệ sinh; phát triển công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng; giảm bất bình đẳng; xây dựng hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh.
“Việt Nam đang trên đà đạt được hầu hết các mục tiêu cụ thể của mình cho tới năm 2030, nếu giữ được tốc độ tiến bộ tương tự trong những năm còn lại”, nghiên cứu cho biết. Nhưng đồng thời nghiên cứu cũng cảnh báo, để đảm bảo thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ ở các mục tiêu còn lại, bao gồm: Hướng tới xóa đói (Mục tiêu 2), nâng cao sức khỏe và phúc lợi (Mục tiêu 3), cung cấp giáo dục có chất lượng (Mục tiêu 4), thúc đẩy bình đẳng giới (Mục tiêu 5), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững (Mục tiêu 8), tạo ra các cộng đồng và thành phố bền vững (Mục tiêu 11), thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm (Mục tiêu 12), bảo tồn cuộc sống dưới nước (Mục tiêu 14) và củng cố quan hệ đối tác vì các mục tiêu (Mục tiêu 17).
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về cải thiện cơ sở hạ tầng |
Đồng thời, cần đặc biệt lưu ý tới chỉ tiêu năng lượng sạch và giá cả phải chăng (Mục tiêu 7) và cuộc sống trên đất liền (Mục tiêu 15). Đây là những mục tiêu đang có sự thụt lùi trong thời gian qua và nếu không nỗ lực đảo ngược các xu hướng tiêu cực này, tất cả các mục tiêu cụ thể trong hai mục tiêu này sẽ không đạt được vào năm 2030. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy hiện đang có tới gần một nửa số mục tiêu phát triển bền vững không thể đo lường được do thiếu dữ liệu và cần ưu tiên giải quyết vấn đề này.
Dự thảo báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam năm 2023” cũng cho thấy thực trạng này. Theo đó, hiện 5 mục tiêu có khả năng đạt được vào năm 2030, bao gồm: Xóa nghèo (Mục tiêu 1), Không còn nạn đói (Mục tiêu 2 ), Giáo dục có chất lượng (Mục tiêu 4), Hành động về biến đổi khí hậu (Mục tiêu 13), và Quan hệ đối tác vì các mục tiêu (Mục tiêu 17). Trong khi đó, hai mục tiêu được đánh giá khó đạt được vào năm 2030 là Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Mục tiêu 12) và Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển (Mục tiêu 14); 10 mục tiêu còn lại được đánh giá sẽ còn gặp khó khăn, thách thức từ mức đáng kể tới rất lớn để có thể đạt được.
“Nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế - xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế”, dự thảo báo cáo cho biết.
Rà soát, đẩy nhanh hành động để đạt được các mục tiêu đề ra
Tại Hội thảo tham vấn về dự thảo báo cáo VNR do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức vừa qua, các chuyên gia và đại diện các tổ chức đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng báo cáo này, cũng như tạo cơ hội để tất cả các bên liên quan có thể đóng góp và thể hiện tiếng nói trong VNR 2023, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
“Tham gia VNR 2023, Việt Nam mong muốn chia sẻ thành tựu, bước tiến đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời chia sẻ khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong thực hiện SDG và đưa ra những định hướng, các hoạt động trọng tâm trong nửa chặng đường còn lại; đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả mọi người”, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của GIZ cho biết: “VNR là một phần quan trọng trong việc giám sát và đánh giá Chương trình nghị sự 2030 của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Đức. GIZ sẽ tiếp tục sát cánh, thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Đức và quốc tế, để đảm bảo Việt Nam thực hiện thành công các cam kết phát triển kinh tế bền vững”.
Trong khi đó bà Naomi Kitahara, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ đã sử dụng các nguồn dữ liệu sáng tạo, dựa trên phân tích chuyên sâu và huy động nhiều bên tham gia vào quá trình xây dựng VNR 2023. “Liên hiệp quốc khuyến khích Chính phủ tiếp tục xây dựng và thực hiện các hành động tiếp theo để đẩy nhanh việc đạt được các SDG sau khi VNR được hoàn thành”, bà Naomi kỳ vọng.
Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn Dự thảo Báo cáo VNR, bà Phạm Mỹ Hằng Phương cho rằng, Việt Nam tới đây cần tiếp tục các nỗ lực để đẩy nhanh tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi sau COVID-19 sẽ cần được ưu tiên.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để huy động các nguồn tài chính bổ sung và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính hiện có cho phát triển bền vững. Cùng với đó là đầu tư vào nguồn nhân lực, đổi mới, số hóa để cải thiện năng suất; nỗ lực hơn nữa để đạt được các SDG cho các nhóm dễ bị tổn thương; cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để đánh giá tiến độ đạt được…
“Việc thực hiện những ưu tiên này sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”, bà Phạm Mỹ Hằng Phương nhấn mạnh.
Chương trình nghị sự 2030, các mục tiêu phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách của Việt Nam, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 85 ngày 21/3/2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại và xác định đầy đủ trong Lộ trình thực hiện đối với tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu như Việt Nam đã cam kết. Trên tinh thần chung là các mục tiêu, chỉ tiêu đang trên đà đạt được cần tiếp tục đẩy mạnh hơn; chưa đạt cũng cần xác định rõ để phấn đấu thực hiện. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí, phương pháp thống kê liên quan đến các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững và đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện. |