Phát triển cho vay ngang hàng thúc đẩy tài chính toàn diện
Đây là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Nghiên cứu hoạt động cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tổ chức sáng 28/9. TS. Bùi Tín Nghị - nguyên Giám đốc Học viện Ngân hàng làm chủ nhiệm đề tài.
Cho vay ngang hàng đang phát triển mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, hiện Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, Chính phủ đã có chiến lược chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó ngân hàng được coi là một trong những lĩnh vực tiên phong đi đầu trong tiến trình này.
Thực tế, hoạt động cho vay ngang hàng đã phát triển mạnh mẽ ở các nước trên thế giới, tại Việt Nam mô hình này cũng đã có những bước phát triển tích cực. Phải nhìn nhận rằng, đây là một xu thế bắt buộc không thể đảo ngược và hoạt động cho vay ngang hàng trong thời gian qua đã đặt ra nhiều câu hỏi cho cơ quan quản lý, các ngân hàng thương mại (NHTM), Fintech…
Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần gợi mở hướng đi phát triển hoạt động cho vay ngang hàng của các bên liên quan để mô hình này phát triển mạnh mẽ, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Trình bày kết quả nghiên cứu, TS. Bùi Tín Nghị - nguyên Giám đốc Học viện Ngân hàng – chủ nhiệm đề tài thông tin, cho vay ngang hàng hiểu là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính.
Toàn bộ hoạt động phê duyệt khoản vay, giải ngân, hay trả nợ giữa người đi vay và người cho vay được thực hiện trên nền tảng giao dịch trực tuyến của các công ty P2P lending, được lưu trữ bằng các bảng ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty.
Như vậy, có thể thấy, các công ty P2P lending không sử dụng chênh lệch giữa lãi suất huy động vốn và cho vay làm lợi nhuận như các ngân hàng, thay vào đó là phí quản lý từ việc xếp hạng tín dụng, phân loại mức độ rủi ro, đăng ký tài khoản. Vì vậy, so với mô hình ngân hàng truyền thống thì lãi suất của nhà đầu tư sẽ tăng lên, đồng thời lãi suất của người đi vay và chi phí giao dịch sẽ giảm.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, trong những năm vừa qua, cho vay ngang hàng đã phát triển nhanh trên thế giới và tại Việt Nam, thống kê đã có hơn 100 công ty tham gia cho vay ngang hàng với quy mô không ngừng tăng lên.
Nhờ những đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực P2P lending đã đem lại những lợi ích to lớn đối với các tổ chức ngân hàng – tài chính. P2P lending cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính.
TS. Bùi Tín Nghị - Nguyên Giám đốc Học viện Ngân hàng thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả của đề tài |
Nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù đang có bước phát triển mạnh mẽ nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có một quy định pháp luật cụ thể từ phía cơ quan quản lý liên quan đến việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng. Có một số điều luật có liên quan nhưng hiện đang nằm “rải rác” và không có sự quản lý tập trung.
Mặt khác, P2P lending là lĩnh vực mới và phát triển nhanh khiến nhiều quy định pháp lý hiện hành ban hành từ lâu có thể không còn phù hợp, tương thích với loại hình dịch vụ dựa trên công nghệ, dữ liệu, các mô hình kinh doanh sáng tạo này dẫn đến tình trạng các công ty Fintech gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc triển khai các giải pháp hay cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, phân tích dữ liệu.
Thực tế hiện nay, nhu cầu thực hiện và áp dụng các giải pháp trong hoạt động P2P lending là rất lớn nhưng việc triển khai còn hạn chế do quy định pháp lý hiện hành còn chưa đồng bộ, rõ ràng, chi tiết. Việc thiếu vắng khuôn khổ pháp lý điều chỉnh, hướng dẫn pháp lý rõ ràng hoặc hoạt động trong “vùng xám” còn có thể gây ra những rủi ro rất lớn không chỉ đối với cơ quan quản lý mà đối với cả chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, khách hàng, người sử dụng dịch vụ và đến một lúc nào đó có thể dẫn đến những hệ lụy to lớn đối với ổn định tài chính, xã hội.
Vì vậy, cơ quan quản lý cần chủ động nghiên cứu và định hình khung pháp lý cho hoạt động P2P lending phát triển nhằm phát huy tối đa những lợi thế của loại hình này, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo |
Nhóm nghiên cứu đề xuất, cần xây dựng cơ chế quản lý thí điểm/ thử nghiệm có kiểm soát đối với lĩnh vực P2P lending để tạo lập môi trường cho các công ty Fintech được chủ động triển khai thực hiện những hoạt động, cung ứng, phát triển sản phẩm, dịch vụ trong điều kiện chưa có quy định pháp lý chính thức rõ ràng, minh bạch.
Đồng thời, P2P lending là hoạt động chưa có quy định pháp luật quản lý chuyên ngành, nên cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Pháp lệnh ngoại hối, Sàn giao dịch điện tử được quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện... hoặc xây dựng và ban hành các quy định pháp lý mới để điều chỉnh và cần sự phối hợp, tham gia của nhiều bộ, ngành có liên quan.
Trước mắt trong thời gian chưa có các quy định trực tiếp để quản lý hoạt động P2P lending, NHNN cần phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (trong đó P2P lending là một lĩnh vực cụ thể) và trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Về phía các tổ chức tín dụng, cần tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ P2P lending để hướng dẫn trong nội bộ về các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro phát sinh khác phát sinh từ P2P lending trong bối cảnh pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh.
Ngoài ra, cần thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P lending để đảm bảo việc thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác giữa tổ chức tín dụng với các công ty P2P lending đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của tổ chức tín dụng, cũng như uy tín, an toàn của hệ thống ngân hàng.