Phát triển ngân hàng số trong CMCN 4.0: Thay đổi để thích ứng
Ngân hàng số thiếu dữ liệu lớn | |
Nhiều ứng dụng ngân hàng số tại VietAI Summit 2019 | |
Cuộc đua ngân hàng số sẽ tăng tốc |
Với mục tiêu tạo ra một diễn đàn có tính học thuật cho các học giả, nhà nghiên cứu và những người làm thực tiễn thảo luận về các vấn đề thách thức trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiền tệ và kinh tế vĩ mô hàng năm, ngày 5/12 tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo quốc tế về tài chính - ngân hàng lần đầu tiên với chủ đề “Hệ thống ngân hàng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong đó, phiên thảo luận về “Phát triển ngân hàng số trong cuộc CMCN 4.0” nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự.
Chuyển đổi số của ngân hàng nằm ở việc gia tăng trải nghiệm khách hàng |
Nhìn nhận về thách thức đối diện
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay, cuộc CMCN 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ngành tài chính - ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này khi tiến bộ về khoa học công nghệ đã, đang và sẽ thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Chủ trì phiên thảo luận về phát triển ngân hàng số, TS. Phan Thanh Đức - Chủ nhiệm khoa Hệ thống thông tin quản lý của Học viện Ngân hàng dẫn ra những con số về lợi nhuận của 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đều có sự tăng trưởng tốt qua các năm. Trong kết quả nổi bật đó, việc chuyển đổi số và ngân hàng số đã đóng góp một phần không nhỏ.
Cũng đồng tình rằng vai trò của ngân hàng số là quan trọng, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dẫn chứng trường hợp của BIDV cho biết, hiện đóng góp ngân hàng số đang tương ứng khoảng 37 - 40% tổng thu dịch vụ của ngân hàng và dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, khớp với khảo sát gần đây của McKinsey nhận định cho các ngân hàng tại châu Á là tiến tới 2020, thu từ dịch vụ của các ngân hàng có thể chiếm khoảng 44%.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng nêu ra ba thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng. Thứ nhất nằm ở thể chế cho hoạt động của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng còn nhiều vấn đề cần phải bàn tới. Điểm thứ hai liên quan đến hạ tầng và thứ ba là con người. Một trong những điểm nghẽn trong năng lực cạnh tranh cũng được chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề cập là con người, cụ thể hơn nằm ở kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn rất thấp, nhất là kỹ năng của sinh viên mới ra trường là vấn đề bất cập. Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, lực lượng lao động kỹ năng cao, trình độ cao ở Việt Nam mới chỉ khoảng 12% so với bình quân thế giới là 20%. Chưa kể, quá trình chuyển đổi tái cơ cấu kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng còn chậm so với yêu cầu đặt ra. “Đơn cử như việc hiện nay chúng ta đang muốn xoay chuyển cơ cấu về thu trong các hoạt động ngân hàng, thu dịch vụ hiện vẫn chỉ quanh mức 11-12%. Trong khi theo Quyết định 986 của NHNN đặt ra thì yêu cầu thu dịch vụ ròng chiếm khoảng 12-13% vào năm 2020, đến năm 2025 là 16-17%. Việc chuyển đổi tương đối chậm so với bối cảnh hiện nay”, TS. Lực thẳng thắn nhìn nhận.
Tập trung vào các trụ cột
Trao đổi về chiến lược trong sự chủ động của NHNN đối với phát triển chuyển đổi số hướng tới ngân hàng số, ThS. Phạm Xuân Hoè - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc NHNN Việt Nam nhận xét, nếu tính trong các ngành thì ngành Ngân hàng là một trong những ngành sẽ bị tác động mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0. Nhận thức rõ điều đó, NHNN đã triển khai nhanh Chỉ thị 16 ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 trong ngành Ngân hàng, và hiện nay Dự thảo Chiến lược phát triển IT của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ sớm được ký ban hành thời gian tới. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đi những bước rất khẩn trương trong việc ứng dụng các công nghệ 4.0. Hầu hết các ngân hàng đều đã có chiến lược chuyển đổi số, trong đó các công nghệ chủ chốt của 4.0 đều được xem xét nghiên cứu ứng dụng. Theo tổng kết từ các báo cáo gửi về Viện Chiến lược Ngân hàng, AI và machine learning có trên 20% ngân hàng đã nghiên cứu triển khai, Big Data được sử dụng để phân tích hành vi khách hàng và chấm điểm xếp hạng tín dụng, điện toán đám mây được vận dụng trong đào tạo trực tuyến hoặc bán hàng...
Thực tế, việc chuyển đổi số được nhìn nhận là gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số của VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, chiến lược chuyển đổi số của nhà băng này được chia ra bốn đầu mục. Thứ nhất là ứng dụng công nghệ để làm sao chuyển đổi trải nghiệm khách hàng, khi khách hàng tương tác với ngân hàng, cải thiện trải nghiệm tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng, ứng dụng để làm sao khách hàng khi dùng điện thoại di động để có thể thực hiện tất cả dịch vụ một cách thuận tiện và thông minh nhất. Làm sao để khách hàng đến chi nhánh, ngân hàng có hệ thống nhận diện khuôn mặt, không cần tới kiểm tra chứng minh nhân dân. Thứ hai, ngân hàng phải dùng công nghệ để số hoá các quy trình của mình. Thứ ba, nhà băng số hoá sản phẩm, kết hợp các sản phẩm tài chính và sản phẩm công nghệ cung cấp cho khách hàng. Thứ tư, tạo được hệ sinh thái giữa ngân hàng và các ngành nghề khác nhau trong từng lĩnh vực.
“Mobile đang trở thành kênh giao dịch lớn nhất của VietinBank, hiện đã gấp 3 lần số lượng giao dịch qua internet. Đặc trưng quan trọng để khuyến khích giao dịch qua kênh mobile là phải đảm bảo thân thiện, dễ dùng và phải nhanh”, ông Lân cho hay.
Đứng trên giác độ của một CDO (Giám đốc dữ liệu), ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Dữ liệu (MB) nhìn nhận giá trị của một ngân hàng hiện nay nằm ở dữ liệu. Tuy nhiên triển khai quy trình quản trị dữ liệu ngân hàng hiện nay chưa thật sự được chú trọng, làm được điều này là không đơn giản nhưng nếu không có bước đầu, các nhà băng khó có thể tiến xa được trong chuyển đổi số. Việc quản trị dữ liệu sẽ cần và nên được tách riêng là một lĩnh vực mới, cũng cần quan tâm tới cơ chế chia sẻ dữ liệu; đào tạo và phát triển nhân lực ngành dữ liệu nói chung.