Cuộc đua ngân hàng số sẽ tăng tốc
3 thách thức với ngân hàng số | |
Ngân hàng chạy đua đầu tư ngân hàng số |
Các vướng mắc về cơ chế sớm được tháo gỡ cho các ngân hàng triển khai chuyển đổi số |
Phải thay đổi tư duy
Hiện Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngân hàng số với hơn 96 triệu dân, cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh lớn… Xu hướng chuyển đổi số của các ngân hàng cũng ngày một tăng cao. Nhiều ngân hàng đã kết nối các hệ sinh thái khác trên internet, ứng dụng ngân hàng cài đặt trên điện thoại di động, áp dụng AI, Big Data trong dự báo thị trường, phân loại khách hàng, ra quyết định giải ngân…
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, song đây cũng là vấn đề không hề đơn giản. Trước tiên cần phải thay đổi tư duy, thì mới đưa ra định hướng rõ ràng thực hiện mục tiêu đặt ra. Như tại OCB, ngân hàng muốn chuyển hướng hoạt động ngân hàng số là một lĩnh vực kinh doanh thực sự chứ không đơn thuần chỉ là dịch vụ tăng thêm thì phải đầu tư rất kỹ lưỡng bài bản. Ngoài câu chuyện vốn đầu tư, hạ tầng công nghệ, còn là nhân lực… để đảm bảo triển khai hoạt động này thông suốt, hiệu quả.
Có chung quan điểm, Giám đốc Ngân hàng số TPBank Trần Hoài Nam cho rằng, công nghệ thì bất kỳ công ty, ngân hàng, quốc gia nào cũng đều có thể mua được. Do đó, công nghệ không phải là lợi thế của TPBank hay bất kỳ công ty hay ngân hàng nào. Tuy nhiên, chìa khoá thành công trong chuyển đổi ngân hàng số không phải từ công nghệ mà từ sự thay đổi tư duy của các ngân hàng, khách hàng.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ hành vi của khách hàng thay đổi vô cùng lớn, phá vỡ mọi thói quen truyền thống”, ông Trần Hoài Nam chỉ ra thách thức thực tiễn buộc các ngân hàng phải chuyển đổi.
Việc rút ngắn từ 8 ngày xuống còn 8 phút để phát hành thẻ tại ATM của TPBank chính là sự thay đổi quy trình đã tồn tại ở ngân hàng hàng chục năm nay. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Vietcombank cũng tiết lộ, ngân hàng này thậm chí đã truyền đi một thông điệp trong nội bộ “Chuyển đổi số hay là chết” để đảm bảo toàn bộ cán bộ Vietcombank quyết tâm cùng lãnh đạo thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số.
Có quyết tâm ngày càng cao, công nghệ ngân hàng Việt cũng được đánh giá là không thua kém nhiều các nước khác, nhưng điều mà một số lãnh đạo NHTM lo lắng nhất bây giờ khi triển khai ngân hàng số chính là rủi ro về cơ chế. Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng chia sẻ, LienVietPostBank đang phối hợp với một đối tác đến từ Hàn Quốc mang Ví Việt sang nước này để triển khai thí điểm thanh toán bằng QR Code. Tuy đã nghiên cứu kỹ các quy định để đảm bảo không vi phạm pháp luật về quản trị rủi ro, thanh toán quốc tế, hạn mức tiêu dùng… nhưng ông Thắng vẫn băn khoăn, nếu triển khai rộng rãi thì có vướng quy định nào nữa hay không. Vì thực tế, quy định về ngân hàng số, ví điện tử, eKYC… chưa được rõ ràng.
Sợ rủi ro cơ chế
Không chỉ LienVietPostBank, mấy năm gần đây, một số ngân hàng đã đề nghị NHNN cho phép ứng dụng eKYC, song đến nay, mới chỉ có TPBank được áp dụng thử nghiệm. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo ngân hàng lớn đề xuất nên sớm cho phép ứng dụng eKYC để thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách dễ dàng, thuận tiện.
Là người trong cuộc, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thấu hiểu lý do vì sao mà eKYC chưa thể triển khai được. Theo đó, không chỉ do luật pháp mà còn phụ thuộc mức độ sẵn sàng của thị trường. Lấy ví dụ, hiện DN đều có chứng chỉ số, hoá đơn điện tử, nhưng bản thân DN có sẵn sàng cho việc này không. Chứng từ số rất hay mà cũng có cái dở. Cái hay là tạo minh bạch, nhưng nó là loại chứng từ không sửa được, nên “bút sa, gà chết”. Điều khó khăn nhất để áp dụng eKYC ở Việt Nam là dữ liệu chưa được chuẩn hóa, thiếu đồng nhất. Chắc chắn sẽ có một vài con sâu làm rầu nồi canh, lợi dụng tình trạng này để làm giả dữ liệu, gian lận giấy tờ mở tài khoản ảo để rửa tiền.
Tuy vậy, theo ông Tùng với xu thế giao dịch điện tử ngày càng phát triển, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về định danh và xác thực điện tử là đòi hỏi thực tế. Mặt khác, hiện công nghệ phát triển nhanh, hiện đại nên cũng đang hạn chế được những gian lận đó.
“Về mặt luật pháp cần nghiên cứu kỹ cơ chế cho ứng dụng eKYC để làm sao đảm bảo chống gian lận nhưng đồng thời tạo điều kiện cho ngân hàng tăng khách hàng giao dịch online. Chứ như hiện nay ngân hàng làm theo hình thức thủ công vừa mất thời gian vừa giảm động lực người dân tiếp cận sử dụng dịch vụ ngân hàng”, ông Tùng đặt vấn đề.
Đồng cảm trước những băn khoăn, lo lắng của cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ, việc xây dựng khung khổ pháp lý sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi ngân hàng số là việc không phải đơn giản. Hiện cũng chưa có thông lệ tốt nhất để Việt Nam soi chiếu áp dụng hoàn toàn, mà vẫn phải vừa học hỏi vừa mày mò tự làm. Chưa kể, còn có nhiều điều cũng chưa lường hết được. Điều đó đặt ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc ra quyết sách, khung pháp lý cho công nghệ sáng tạo để làm sao cân bằng hiệu quả và hạn chế rủi ro.
“Trên thế giới chưa có chuẩn chung, nhìn nhận thống nhất về vấn đề này. Chỉ có điều là chúng ta không thể chờ tất cả mọi việc rõ ràng mới thực hiện, như thế thì quá chậm. Nên ở đây có những cái phải chấp nhận rủi ro nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, TS. Thành nhận định.
Lãnh đạo Vụ Thanh toán, NHNN cũng thừa nhận, eKYC là một trong những vướng mắc lớn nhất của các ngân hàng hiện nay trong tiến trình số hóa. Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo điều kiện cho thanh toán điện tử phát triển và sửa đổi Nghị định số 116/2013/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền theo hướng cho phép áp dụng eKYC. Sau khi vấn đề eKYC được xử lý thông suốt, NHNN cũng sẽ tiếp tục gỡ một số vướng mắc khác về mở tài khoản thanh toán, chia sẻ dữ liệu…
Giới chuyên môn kỳ vọng các vướng mắc về cơ chế sớm được tháo gỡ, hoá giải nút thắt tâm lý cho các ngân hàng mạnh dạn triển khai, cuộc chuyển đổi số hoá ngân hàng bứt tốc cả về chất và lượng. Từ đó vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa giảm chi phí hoạt động, lại tăng doanh thu dịch vụ cho ngân hàng.