Phố thời trang chật vật vì vắng khách
Hộ kinh doanh cá thể chật vật trong cơn bão dịch Doanh nghiệp chật vật tuyển dụng lao động Chật vật phát triển khu kinh tế ven biển |
Chỉ vừa thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh chưa đến 1 năm, ngành thời trang lại phải đối mặt với tình trạng giảm động lực tiêu dùng của khách hàng do kinh tế khó khăn. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm của mình. Họ tập trung vào việc tiết kiệm và chi tiêu hợp lý hơn, thay vì mua sắm dựa trên nhu cầu vui chơi cá nhân. Do đó, dù có giảm giá sâu, nhưng nhu cầu tiêu dùng không tăng mạnh, khiến cho các cửa hàng thời trang vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng. Nhiều cửa hàng thời trang đang phải “chật vật” tìm cách thích ứng và tồn tại trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt.
Các shop “sale sập sàn” để gỡ lại vốn |
Theo chia sẻ của một số chủ cửa hàng, sau Tết là thời điểm vắng khách của năm bởi người dân đã mua sắm hết trước Tết. Thời điểm này còn là thời điểm chuẩn bị chuyển sang vụ hè, thời tiết ít lạnh khiến quần áo trong vụ thu đông của nhiều shop bị tồn đọng lại khá nhiều, buộc các shop thời trang phải hạ giá để giảm lượng tồn kho. “Thời điểm này, việc mua sắm quần áo không còn là khoản chi tiêu ưu tiên của nhiều người. Đặc biệt là đối với các shop thời trang nhỏ, lẻ mà có đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người có thu nhập trung bình đến thấp,…”, chủ một shop quần áo nhỏ trên đường Láng chia sẻ.
Đặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ của thương mại điện tử, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn mua sắm trực tuyến. Không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm chi phí, việc mua sắm qua các ứng dụng di động hoặc website đã trở thành lối tiêu dùng phổ biến. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với nhiều cửa hàng thời trang truyền thống không bán hàng online.
“Qua hơn 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với việc mua hàng online. Người mua cũng nhận ra rằng thị trường này có nhiều ưu điểm như dễ lựa shop bán rẻ nhất; đa dạng kiểu mẫu để lựa chọn; chi phí giao hàng ngày càng rẻ; thời gian nhận hàng không quá lâu lại không tốn thời gian đi lại. Họ thậm chí có thể sẵn sàng chờ lâu hơn để chọn được món hàng ưng ý với giá rẻ nhất”, chị Trang, nhân viên một shop quần áo ở mặt đường Cầu Giấy chia sẻ.
Các cửa hàng thời trang sale cả cửa hàng để giảm lượng hàng thu đông |
Không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, các cửa hàng thời trang còn phải đối diện với sự cạnh tranh giữa các mặt hàng giống nhau. Sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ đã khiến cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, từ những cửa hàng thời trang cao cấp đến các cửa hàng fast-fashion với giá cả phải chăng.
“Trước đây, doanh thu một ngày 5-10 triệu đồng là bình thường. Còn giờ bán được là vui rồi, có ngày chị còn chẳng có khách nào. Nhìn đường phố đông đúc thế thôi chứ khách vào thưa thớt lắm, tầm 20 giờ là vắng hoe rồi, nhiều khi cứ mở cửa rồi ngồi dài vậy”, chị Linh, chủ một shop quần áo trên phố Chùa Bộc tâm sự.
Nhiều cửa hàng đối mặt với tình trạng phải đóng cửa |
Chị cũng cho biết, thị trường hiện đang dần bão hòa với các shop thời trang “mọc nhiều như nấm”, kể cả online hay offline. Miếng bánh chỉ có như vậy, càng nhiều shop thì sự phân chia doanh thu trên thị trường sẽ càng lớn.
Khách vắng mà giá thuê mặt bằng ở các con phố “vàng” ngày càng cao, sự thay đổi trong thói quen mua sắm và thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cùng sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt đã khiến nhiều chủ shop thời trang nhỏ thất bại trong cuộc đua với thị trường, hàng loạt cửa hàng hạ giá thấp kỷ lục đến 70%, thanh lý đồng giá chỉ với chưa tới 200.000 đồng nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng đóng cửa hàng loạt do không đủ vốn xoay vòng.
Theo các chuyên gia, những shop thời trang nhỏ nên cân nhắc tới việc chuyển sang bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn đồng thời tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng rất đắt đỏ.