Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tiếp Giám đốc điều hành Văn phòng Nhóm nước khu vực Đông Á và Thái Bình Dương
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại buổi tiếp |
Tại buổi làm việc, ông Mohd Hassan Ahmad cập nhật về các chủ đề đã được trao đổi tại Hội nghị mùa Xuân năm nay (từ ngày 18 - 24/04/2022) trong hai báo cáo của WB về nợ (xu hướng nợ gia tăng tại các quốc gia, hỗ trợ của WB/IMF trong thúc đẩy sử dụng các khoản vay hiệu quả, khuyến nghị của WB/IMF đối với Khuôn khổ xử lý nợ chung của các nước G20); số hóa và phát triển (khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy số hóa tại các quốc gia thành viên).
Ngoài ra, ông Mohd Hassan Ahmad cũng điểm qua các đánh giá, tổng quan của WB về tình hình và triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực, các khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay; danh mục tài trợ trong nhóm và dự kiến vay vốn trong tài khoá 2022 - 2023; chính sách của WB đối với các vấn đề diễn ra tại Myamar, Nga, và Ukraina.
Ông Mohd Hassan Ahmad đánh giá cao chính sách kiểm soát Covid-19 của Chính phủ trong thời gian qua và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tỷ lệ ca tử vong vì Covid-19 rất thấp (tính theo dân số) trong khu vực và trên thế giới; Việt Nam đã dần kiểm soát tình hình dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình mở cửa, phục hồi kinh tế.
Ông Mohd Hassan Ahmad lạc quan về dự báo tăng trưởng của WB cho Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức 5,3%, một mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt với áp lực lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế thấp. Đồng thời, cũng ấn tượng về việc chính phủ đã kiểm soát tốt trần nợ công, duy trì ở mức an toàn, trong khi các quốc gia phát triển hơn trong khu vực lại có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua (Malaysia, Indonesia, Thái Lan..)
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của WB/Văn phòng Nhóm nói chung cũng như cá nhân ông Mohd Hassan Ahmad nói riêng đối với những kết quả, thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong giai đoạn vừa qua.
Với những trợ giúp to lớn của WB về nguồn lực tài chính, tư vấn chính sách, chia sẻ thực tiễn, thông lệ tốt… cũng đã góp phần hỗ trợ Chính phủ đạt được nhiều kết quả tích cực, ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, là cơ sở, tiền đề hướng tới quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, đây cũng là những điểm mốc quan trọng nhằm kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945 - 2045).
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực đang có nhiều biến chuyển phức tạp, khó lường (xung đột Nga - Ucraina, giá nhiên liệu tăng, rủi ro tiềm ẩn lạm phát, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài…), NHNN mong muốn tiếp tục có được sự hợp tác hiệu quả, thực chất hơn với WB/Văn phòng nhóm trong thời gian tới, trước mắt ưu tiên hỗ trợ Chính phủ thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Phó Thống đốc cũng điểm qua tình hình kinh tế Việt Nam thời gian qua; các thách thức, khó khăn và định hướng của Chính phủ; Điều hành chính sách tiền tệ và định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ và đề xuất WB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN, cung cấp, chia sẻ các thông tin, những nhận định, đánh giá và phân tích kịp thời về tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới có những thay đổi, biến động khó lường và có những tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế quốc gia như trong thời gian vừa qua.
Đồng thời đề nghị WB chia sẻ các báo cáo phân tích về tác động, ảnh hưởng của những diễn biến chính trị phức tạp tại Nga, Ucraina tới hệ thống tài chính, tiền tệ toàn cầu và hệ lụy đối với các thị trường phát triển như Việt Nam để NHNN tham khảo trong quá trình điều hành chính sách và tham vấn cho Chính phủ.
Phó Thống đốc cũng đề nghị WB và Việt Nam duy trì đối thoại, trao đổi chính sách cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, NHNN - vai trò cơ quan đại diện Chính phủ tại WB, các Bộ, ngành liên quan với lãnh đạo Văn phòng Nhóm nhằm cập nhật các định hướng, chính sách mới của WB trong khu vực, đồng thời bày tỏ Việt Nam mong muốn trao đổi, tìm hiểu, tiếp nhận thông tin về tình hình kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên trong nhóm; chia sẻ các quan điểm đối với các vấn đề, hoạt động của nhóm cũng như các chủ đề chung hoặc có tính thời sự ở các quốc gia thành viên khác mà có thể tác động tới các quốc gia láng giềng hoặc ảnh hưởng chung tới khu vực.
Về các chương trình, dự án trong danh mục vốn vay WB, Phó Thống đốc cũng cập nhật về dự kiến kế hoạch vay vốn trong năm tài khoá 2022 - 2023 và công tác chuẩn bị của phía Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ đàm phán các chương trình/dự án đề xuất.
Phó Thống đốc chia sẻ thêm với những thành công trong thời gian qua (trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, tốt nghiệp vay ưu đãi (IDA), tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao và liên tục trong nhiều năm, đạt các thành tựu quan trọng trong phổ cập giáo dục toàn dân, kiềm chế, phòng chống dịch Covid-19…), Việt Nam cũng muốn chia sẻ thành công, đặc biệt những bài học kinh nghiệm cho các quốc gia thành viên IDA của WB (trong dịp Hội nghị thường niên sắp tới tổ chức tại Mỹ hoặc Hội nghị mùa Xuân năm sau, dưới hình thức như có buổi chia sẻ trong phạm vi nhóm nước muốn học tập kinh nghiệm hoặc tham gia làm diễn giả trình bày một chủ đề liên quan). Giám đốc điều hành hoan nghênh đề xuất của NHNN và cho biết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hoặc trao đổi, liên lạc với một quốc gia trong nhóm đã có hoạt động tương tự để chia sẻ cách thức tổ chức phù hợp.
Kết thúc buổi họp, Phó Thống đốc trân trọng mời ông Mohd Hassan Ahmad chính thức sang thăm Việt Nam và Giám đốc điều hành vui vẻ nhận lời mời của Phó Thống đốc và sẽ thu xếp sang thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất.