Phú Thọ: Tín dụng chính sách thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế | |
Gần 6,4 triệu hộ đang được hưởng thụ tín dụng chính sách xã hội | |
Tín dụng chính sách - điểm sáng ở vùng cao Văn Chấn |
Vừa chống dịch, vừa giải ngân vốn kịp thời
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động ngân hàng nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn phải vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa giải ngân vốn kịp thời, giúp người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo ông Trương Việt Phương, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ, thời gian qua, Chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị chấp hành nghiêm túc các quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ngành và các phương án trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép, thích ứng linh hoạt và hiệu quả; vừa an toàn trong phòng, chống dịch, vừa triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Đặc biệt, NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ đã thực hiện tốt Nghị quyết Ban đại diện HĐQT các cấp, văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc, triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng.
Nhờ sự hiệu quả trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội mà nhiều hộ dân thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp thêm thêm động lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cán bộ NHCSXH và tổ chức hội đoàn thể xã Thạch Kiệt thăm hộ vay vốn Hà Văn Lực |
Đơn cử như gia đình ông Hà Văn Lực, người Mường ở thôn Khu Dùng 2, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, từng được hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Ông Lực kể: Hơn 10 năm trước gia đình ông Lực gặp nhiều khó khăn do không có vốn đầu tư. Chỉ đến khi qua sự hỗ trợ của chi hội phụ nữ thôn, ông Lực được vay 15 triệu đồng của NHCSXH mua trâu nái về nuôi và mua cây giống để trồng rừng. Nhờ làm ăn chăm chỉ mà gia đình có bát ăn, bát để và năm 2020 được xã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Để đảm bảo việc thoát nghèo bền vững, NHCSXH tiếp tục cho gia đình ông Lực vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng diện tích trồng rừng.
Nguồn vốn ưu đãi "sinh sôi nảy nở" nên đến nay gia đình ông Lực đã xây được nhà khang trang và "dắt lưng" gần 20 ha keo và bồ đề, 4 con trâu. Trước tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông Lực thu từ khai thác rừng lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo bà Hà Thị Chai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Kiệt, dư nợ NHCSXH của toàn xã là 21 tỷ đồng, riêng hội phụ nữ quản lý vốn ủy thác 8 tỷ đồng, chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, không có nợ quá hạn. "Với điều kiện tự nhiên là đất đồi rừng nên bà con trong xã chủ yếu vay vốn NHCSXH để trồng rừng với các loại cây chủ lực như cây quế, keo, bồ đề khá hiệu quả", bà Chai chia sẻ và cho biết, nguyện vọng của bà con xã Thạch Kiệt là tiếp tục được NHCSXH bổ sung thêm nguồn vốn, đảm bảo các chương trình cho vay có vốn kịp thời, hỗ trợ người dân tiếp tục sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Duy trì đảm bảo chất lượng tín dụng
Với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ngoài nguồn vốn trung ương thì hiện còn có nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 76,32 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15,22%/ tổng nguồn vốn); tăng 10,08 tỷ đồng so với 2020 (tăng trưởng 22,14%), đạt 100,8% kế hoạch tăng trưởng.
Ông Trương Việt Phương, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ cho biết, năm 2022, cùng với cả nước, ngân hàng đã chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo NQ128/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn sức khỏe của cán bộ, đồng thời phải duy trì ổn định hoạt động của NHCSXH được thường xuyên, liên tục đặc biệt trong hoạt động giao dịch xã để góp phần hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong năm 2022.
Về công tác nguồn vốn, NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ sẽ chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm triển khai, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, chương trình hành động của UBND tỉnh. Trong đó, quan tâm đề nghị UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí sớm nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ủy thác sang NHCSXH theo chỉ tiêu được giao.
Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác huy động tiền gửi từ tổ chức, cá nhân và tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV. Quan tâm huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, tiền gửi tiết kiệm linh hoạt.
Đặc biệt, Chi nhánh đảm bảo an toàn, phân loại nợ phản ánh đúng thực tế, khách quan; được giám sát chặt chẽ, hoàn thành đúng tiến độ, thời gian theo kế hoạch đã xây dựng. Quan tâm làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn; kiểm soát chặt chẽ phát sinh nợ quá hạn và tăng cường đôn đốc xử lý các khoản nợ quá hạn có khả năng trả nợ.
Đồng thời, thường xuyên rà soát các khoản vay bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan để thực hiện xử lý nợ rủi ro theo quy định. Phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn đến cuối năm chiếm 0,1%/tổng dư nợ.