Quản trị đất đai dưới góc nhìn PCI
Không cải thiện, thậm chí còn xấu đi
Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” ban hành gần đây đã chỉ rõ, dù quản lý về đất đai từng bước được nâng cao, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn nhưng công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế; cải cách hành chính trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn; việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm; công tác đăng ký, thống kê đất đai chưa thực hiện nghiêm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Theo N.Gregory Mankiw, giáo sư kinh tế Đại học Harvard, nếu quản trị đất đai yếu kém sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, không đem lại đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững và bao trùm. Nếu đem “soi chiếu” các kết luận trên vào các địa phương (các tỉnh, thành phố) ở Việt Nam cũng có thể thấy thực trạng quản trị đất đai đang có những hạn chế, yếu kém.
Những khó khăn phổ biến doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai (nguồn PCI 2021) |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, thông qua kết quả phân tích chuyên sâu dữ liệu khảo sát PCI hàng năm đã chỉ ra những phát hiện chính đáng quan ngại liên quan đến quản trị công về đất đai ở các tỉnh, thành phố hiện nay. Trước tiên về chất lượng quản trị, khác với nhiều lĩnh vực khác, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá chất lượng quản trị công trong lĩnh vực đất đai không có chuyển biến tích cực nào đáng kể trong gần một thập kỷ qua, biểu hiện là điểm chỉ số thành phần gốc về Tiếp cận đất đai (một trong 10 chỉ số thành phần của PCI) có xu hướng giảm kể từ năm 2013.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối diện với nhiều rào cản trong tiếp cận đất đai như thủ tục hành chính phiền hà, chi phí không chính thức còn phổ biến, việc hỗ trợ tiếp cận thông tin về đất đai chưa tích cực. “Đất đai là lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp phản ánh còn rất nhiều phiền hà, xếp thứ hai chỉ sau thủ tục hành chính của lĩnh vực thuế, phí”, ông Tuấn cho biết.
Chuyên gia này phân tích và dẫn chứng, trong cả hai năm 2020 và 2021, đều có xấp xỉ 29% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI cho biết, thủ tục hành chính về đất đai là thủ tục hành chính phiền hà nhất. Đáng quan ngại là theo ước tính từ dữ liệu điều tra, khoảng 31,6% doanh nghiệp quy mô vừa và lớn từng gặp khó khăn về thủ tục đất đai đã chấp nhận trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp quy mô nhỏ là khoảng 26,6%. Các trở ngại này khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Cùng với đó, như theo điều tra PCI 2021 cho thấy, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác về đất đai còn nhiều bất cập. Đơn cử, trong quá trình mở rộng mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp thì những rào cản chính thường gặp là: thủ tục hành chính thuê, mua đất phức tạp (42% doanh nghiệp cho biết); quy hoạch đất đai chưa phù hợp (38%); việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng (30%).
Trong khi đó, việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai ở các địa phương còn thiếu nhất quán và ổn định, trong đó có vấn đề điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất hay xác định giá đền bù khi thu hồi đất. Theo PCI 2021, trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn với thủ tục đất đai trong 2 năm gần nhất thì 25,5% nhận diện “biến động chính sách pháp luật” là một trong những thách thức chính.
Đất đai phải được khai thác hiệu quả
Việc khó tiếp cận đất đai dẫn tới nhiều cản trở trong tiếp cận tín dụng, trong khi đây lại là một trong những nguồn lực quan trọng cần được khơi thông. Bởi trong các loại tài sản thế chấp (TSTC) thường được các tổ chức tín dụng chấp nhận, đất đai và tài sản gắn liền với đất là loại TSTC phổ biến nhất. Chính vì thế, nếu doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc họ có thể có một loại TSTC hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các ngân hàng.
Mặc dù vậy, dữ liệu khảo sát PCI từ năm 2006 đến nay lại phản ánh một thực tế là tỷ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khiêm tốn. Điển hình là năm 2021, chỉ 42,9% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất họ đang dùng để kinh doanh – thấp nhất trong các năm PCI tiến hành điều tra.
Là một yếu tố sản xuất nhưng đất đai lại có tính “khan hiếm”, nên việc sử dụng, phân bổ nguồn lực khan hiếm này một cách hiệu quả nhất nhằm tối đa hóa lợi ích chung là bài toán phải hóa giải. Theo ông Đậu Anh Tuấn, những đánh giá trên hàm ý rằng, các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công về đất đai ở địa phương cần được tăng cường.
Luật Đất đai đang sửa đổi được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật. Trong khi đó, chính quyền các địa phương cần tăng cường cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, chú trọng vào tăng cường công khai, minh bạch thông tin, hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Các địa phương cũng cần thực hiện thực chất nỗ lực cải cách hành chính, đơn giản hóa các quy trình thủ tục về đất đai, giảm nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh cần gắn với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, đặc biệt chú ý đến hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Việc nắm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp đảm bảo quyền tài sản và tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về triển vọng đầu tư dài hạn. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc “an cư” của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được đảm bảo để nghĩ tới việc đầu tư thêm hay mở rộng quy mô. Đồng thời, như đề cập ở trên, việc không có quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc thiếu đi một loại TSTC để có thể tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi không tiếp cận được tín dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho tài sản mới (như đất đai, nhà xưởng). “Đây là một vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết.