Quyết liệt cùng doanh nghiệp vượt khó
ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19 | |
Đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó | |
Ngành Ngân hàng: Các chính sách đang hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp và người dân |
Giải pháp đồng bộ
Với tinh thần quyết liệt hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 24/3 Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 12 NHTMCP quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM về tình hình triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01). Theo Phó Thống đốc, phía trước còn rất nhiều việc, cần nghiên cứu, từng bước định hình xem sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách đối với nền kinh tế cũng như sự hỗ trợ ngành Ngân hàng đối với DN, người dân mức độ thế nào để đảm bảo mục tiêu chính trị lúc này là hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Điều này cũng chính là giải quyết khó khăn cho ngành Ngân hàng.
Thực hiện Thông tư 01, hầu hết các NHTMCP đều đã ban hành quy chế nội bộ để triển khai một cách đồng bộ trên toàn hệ thống. Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, TPBank đã ban hành văn bản hướng dẫn trên toàn hệ thống và tính toán tổng số khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 3 ngân hàng sẽ xem xét cơ cấu nợ, giãn nợ cho khoảng 200 khách hàng với dư nợ 1.500 tỷ đồng. Hiện tại TPBank đang xem xét lại cắt giảm hoạt động chi tiêu không cần thiết để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thực hiện tốt hơn nữa Thông tư 01 để hỗ trợ DN |
Tại LienVietPostBank, Phó Tổng giám đốc thường trực Bùi Thái Hà cũng báo cáo, ngân hàng đã cơ cấu được hơn 1.000 tỷ đồng/3.200 tỷ đồng dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hà, đấy chỉ là con số ban đầu của các DN bị tác động trực tiếp, còn nhiều DN hoạt động tại ngành liên quan sẽ bị ảnh hưởng sau với độ trễ 3-6 tháng. Để hỗ trợ thêm cho nhóm khách hàng, LienVietPostBank đã đưa ra gói tín dụng với lãi suất thấp hơn 0,5%/năm; thậm chí với những khách hàng khó khăn thực sự, gần như không có doanh thu, có thể giảm lãi suất tới 2%/năm.
Triển khai thực hiện Thông tư 01, Sacombank cũng đã ban hành quy chế nội bộ và lên danh sách cụ thể những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ khoảng 22.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, trong tháng này ngân hàng sẽ giải quyết 7.000 tỷ đồng và xử lý nốt phần còn lại trong tháng sau. Nhưng bên cạnh đó, căn cứ nguồn lực tài chính, ngân hàng có chính sách giảm lãi cho khách hàng từ 1-2%/năm và có thể giảm tới 2,5%/năm đối với lĩnh vực thật sự khó khăn. Ngoài ra, ngân hàng còn dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thông thường.
HDBank cũng đưa ra nhóm giải pháp chủ động vừa hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất từ 0,5- 2%/năm tùy mức độ ảnh hưởng của khách hàng; đồng thời đưa ra gói sản phẩm phối hợp với DN lớn để duy trì nhu yếu phẩm, bình ổn giá trên thị trường với mức lãi suất cho vay chỉ 6,5 - 7,5%/năm. Hiện tại HBBank đã phê duyệt cho 100 hồ sơ của khách hàng với dư nợ cơ cấu 2.000 tỷ đồng. Tương tự đến 23/3/2020 SHB đã thực hiện ưu đãi lãi suất cho 268 khách hàng DN ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ 1.237 tỷ đồng.
Do hoạt động kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn nên đến thời điểm này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tín dụng toàn hệ thống tăng 0,5%/năm so với cuối năm trước.
Giảm lãi, chia sẻ khó khăn với DN
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng chưa gặp vướng mắc gì lớn trong quá trình triển khai Thông tư 01. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ hiệu quả cũng như ngăn ngừa hiện tượng trục lợi, các ngân hàng đều xem xét rất cẩn trọng đối tượng được hỗ trợ. Ông Nguyễn Hưng cho biết, cũng có khách hàng chưa thực sự khó khăn hoặc không tác động nhiều bởi dịch Covid nhưng cũng đề xuất hưởng chính sách ưu đãi. Tuy nhiên theo quan điểm của TPBank, ngân hàng sẽ ưu tiên hỗ trợ trước cho những khách hàng gặp nhiều khó khăn. “Ngân hàng cũng là DN, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ DN gặp khó khăn hơn. Nhưng nếu chỉ nỗ lực của ngân hàng không là chưa đủ mà cần sự chia sẻ từ các ngành, các cấp và cả chính DN. Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ cấu, miễn giảm lãi cho khách hàng không chỉ giảm mạnh lợi nhuận ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến chỉ số an toàn hoạt động của ngân hàng, vì thế các ngân hàng cần xem xét cẩn thận các trường hợp khách hàng được thực hiện chính sách ưu đãi này”.
Nhiều DN đang thiếu nguyên liệu để sản xuất do nguồn cung bị gián đoạn |
Ghi nhận những nỗ lực của các ngân hàng khi đã nhanh chóng vào cuộc ngay sau khi Thông tư 01 được ban hành để kịp thời hỗ trợ cho DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hầu hết các ngân hàng đều có những phân tích, đánh giá thiệt hại, đưa ra những con số thống kê và những giải pháp cụ thể cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, và các chính sách hỗ trợ thiệt hại khác thể hiện sự chủ động đồng hành chia sẻ của ngành Ngân hàng đối với người dân, DN.
Tuy nhiên để thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn nữa Thông tư 01 trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng cần phải hành động quyết liệt hơn, không chỉ trụ sở chính, một vài DN mà tất cả các chi nhánh, DN. “Phải triển khai đến giám đốc các chi nhánh. Bằng các hình thức tuyên truyền, chỉ đạo trực tuyến… làm sao cả hệ thống vào cuộc quyết liệt”, Phó Thống đốc giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải xây dựng ngay Quy chế hướng dẫn nội bộ thực hiện Thông tư 01 tạo sự đồng nhất, thống nhất trong toàn hệ thống. “Tất nhiên tùy năng lực tài chính của từng ngân hàng để đưa ra giải pháp hỗ trợ. Nhưng riêng vấn đề lãi suất huy động và lãi suất cho vay, không có chuyện tăng. NHNN sẽ xử lý nghiêm những ngân hàng tăng lãi suất trong thời gian này. Thời điểm này các ngân hàng phải xác định chấp nhận giảm lãi, chia sẻ lợi nhuận hỗ trợ DN”, Phó Thống đốc nhắc nhở và lưu ý, các ngân hàng cần phải công khai quy chế triển khai Thông tư 01 để khách hàng nắm được. Và công tác truyền thông để thông tin kịp thời là vô cùng cần thiết, tạo niềm tin cho thị trường, DN, người dân...
Ngoài ra, NHNN yêu cầu các NHTM phải có phương án phòng chống dịch cụ thể trong toàn hệ thống từ trụ sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch…