Quyết liệt giải ngân đầu tư công và thu hút FDI chất lượng
Ngành giao thông vận tải: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm | |
Làm rõ việc giải ngân vốn đầu tư công thấp |
Ảnh minh họa |
Hiện đã hết 6 tháng đầu năm 2022, bà có thể cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm đến nay ra sao?
Đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sau 2 năm (2020 và 2021) chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng chậm lại. Nguồn vốn đầu tư công khi đưa vào thực hiện góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của một số ngành, lĩnh vực liên quan, làm tăng sức cầu của nền kinh tế, giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) thực hiện ước đạt 35,34% kế hoạch vốn được giao năm 2022. Đây là mức đạt cao nhất trong vòng 5 năm qua (2018 đạt 35,0%; 2019 đạt 33,78%; 2020 đạt 30,46%; 2021 đạt 35,34%), nhưng chưa đạt kỳ vọng. Kỳ vọng đặt ra là 6 tháng đầu năm phải đạt trên 42% kế hoạch.
Các nguyên nhân của việc chậm này là gì, thưa bà?
Có nhiều nguyên nhân, trong đó chúng tôi thấy còn tồn tại một số nguyên nhân bất cập chưa khắc phục triệt để. Về chủ quan, nổi lên một số vấn đề như: Vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đơn giá đền bù; Chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao; Công tác lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế; Quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án chưa tuân thủ theo đúng quy định...
Đồng thời, còn có một số nguyên nhân khách quan. Đặc thù của năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, là năm các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới, do vậy mất nhiều thời gian chuẩn bị dự án nên tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện của nguồn vốn đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt, nhất là những nhà thầu ký hợp đồng với đơn giá cố định.
Tổng cục Thống kê có đề xuất gì nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022?
Năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Để thực hiện và giải ngân tối đa kế hoạch vốn năm 2022, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án/công trình, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của dự án/công trình;
Thứ hai, cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt với các công trình giao thông để đảm bảo đúng tiến độ;
Thứ ba, tạo điều kiện cho chủ đầu tư/ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các dự án/công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của đơn vị thi công;
Thứ tư, rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm thực hiện sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nửa đầu năm, trong khi tổng vốn đăng ký giảm 8,1% thì giải ngân vốn FDI lại tăng tích cực. Bà có thể cho biết thêm về các số liệu này và xu hướng?
Tính đến 20/6/2022, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2021 (đạt 15,27 tỷ USD). Tuy giảm 8,1% nhưng nếu phân tích chi tiết thì vẫn thấy xu hướng tích cực. Bởi trong quý I/2021, yếu tố đột biến là có 2 dự án “tỷ đô” đăng ký mới, gồm Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.
Như vậy nếu loại trừ yếu tố đột biến trên (tổng 4,41 tỷ USD của 2 dự án cấp mới) thì tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài 6 tháng năm 2022 vẫn tăng 29,2% so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, một điểm sáng trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm là vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 65,6% (đạt 6,82 tỷ USD).
Ngoài ra, vốn đầu tư thực hịện của khu vực FDI đạt gần 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2022. Các chỉ số này phản ánh rõ nét xu hướng chung của sự phục hồi mạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư nước ngoài.
Để tiếp tục thu hút FDI trong thời gian tới, theo bà cần có những chính sách, giải pháp gì?
Số liệu cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19.
Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó về mặt chính sách, cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.
Trên “thực địa”, cần rà soát lại toàn bộ các khu công nghiệp (KCN) để xác định các KCN cần ưu tiên mở rộng, xây mới; các KCN cần thu hẹp. Công bố danh sách các KCN có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng... để thu hút đầu tư.
Đồng thời, cần chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Và yếu tố không kém phần quan trọng là việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, các vùng miền để tạo thuận lợi hơn nữa cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Xin cảm ơn bà!