Rà soát, kích hoạt các động lực tăng trưởng
Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Nhiều dự báo tăng trưởng chỉ khoảng 5%
Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây đều hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023. Đơn cử, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC trong báo cáo tháng 7/2023 đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay xuống 5,0%, chủ yếu do các rủi ro bên ngoài. Báo cáo kinh tế vĩ mô đầu tháng 7 của Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 5,4% (từ mức 6,5% trong dự báo trước đó) trong bối cảnh dữ liệu kinh tế từ đầu năm đến nay thấp hơn kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm. Ngân hàng UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống mức 5,2% (từ mức 6,0% trước đó) do thương mại yếu với đà giảm của xuất khẩu dự báo chưa dừng lại…
Các dự báo từ các định chế tài chính quốc tế quan trọng khác cũng cho thấy xu hướng này. Trong thông cáo đưa ra sau khi kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam trong thời gian từ ngày 14-29/6 của Đoàn tham vấn Điều IV, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Paulo Medas - Trưởng đoàn cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam sẽ chỉ đạt khoảng 4,7%. Trước đó trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects report) công bố đầu tháng 6/2023, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6% (từ mức 6,3% trong dự báo đưa ra vào tháng 1/2023). Tuy nhiên tại một hội thảo tổ chức trong tuần này, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, theo dự báo hiện tại của WB thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở dưới mức 5,0% trong năm nay. Đây là tín hiệu cho thấy, vẫn đang có những biến chuyển nhanh (nhưng theo xu hướng xấu đi) trong các dự báo của các tổ chức nước ngoài về triển vọng kinh tế năm nay.
Hầu hết các dự báo đều kỳ vọng nền kinh tế sẽ có sự phục hồi tích cực hơn trong nửa cuối năm |
Mặc dù vậy, hầu hết các dự báo cũng đều kỳ vọng nền kinh tế sẽ có sự phục hồi tích cực hơn trong nửa cuối năm, đặc biệt trong quý IV tới. Như Standard Chartered dự báo tăng trưởng sẽ đạt mức 7,0% trong nửa cuối năm; HSBC dự báo tình hình vẫn chưa có nhiều biến chuyển trong quý III này và sự phục hồi đáng kể sẽ diễn ra vào quý IV… Theo bà Dorsati Madani, đà tăng trưởng chậm lại hiện nay chủ yếu xuất phát từ phía cầu. Do đó, các biện pháp từ phía cung, chẳng hạn như tiếp tục nới lỏng tiền tệ và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ kém hiệu quả và rủi ro hơn. Thay vào đó, các hỗ trợ từ chính sách đặc biệt từ chính sách tài khóa để giúp hồi phục tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng là đề xuất được bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Trong nước, một số tổ chức cũng điều chỉnh hạ dự báo, nhưng đưa ra các kịch bản chi tiết hơn. Cụ thể theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ở kịch bản cơ sở (có khả năng xảy ra cao nhất), dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5-5,5% (thấp hơn so với dự báo 5,5-6% hồi tháng 3), trong đó tăng trưởng quý III có thể đạt 7-7,2% và quý IV đạt 6,8-7%. Ở góc nhìn lạc quan hơn, báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh dự báo, ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng năm nay vẫn có thể đạt 6,5% (trong khoảng 6,3-6,8%). Để đạt mức này, tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt 8,9% (tăng trưởng quý III và quý IV phải đạt lần lượt là 7,4% và 10,3%). Ở kịch bản kém lạc quan, tăng trưởng năm nay dự báo đạt 6,0% nếu 6 tháng cuối năm tăng trưởng đạt 8% (quý III phải đạt 6,8%, quý IV là 9%).
Tương tự, báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” của CIEM mới đây dựa trên các giả định khác nhau đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm nay ở các mức 5,34%; 5,72% và 6,46%. Trong đó, để kịch bản tăng trưởng 6,46% có thể đạt được, các giả định được đưa ra là: Bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…); sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.
Kích hoạt nhanh, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ
Nhìn chung các đánh giá và dự báo cho thấy, để tăng trưởng GDP đạt ở kịch bản tích cực nhất (khoảng 6,5%) trong năm nay thì bên cạnh giả định các yếu tố bên ngoài không xấu đi, quan trọng nhất là trong nước phải có những bứt phá tích cực hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc trong ngắn hạn, khả năng khai thác các động lực trong nước (tiêu dùng, đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông động lực từ khu vực tư nhân…) phải được “kích thích” để khai thác hiệu quả. Theo hướng tiếp cận này các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, các giải pháp cần tập trung vào phục hồi tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời gắn với đó là các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng (chính sách trọng cung) trong trung và dài hạn.
Nhưng trong tổng cầu, không phải cấu phần nào cũng có thể dễ thúc đẩy. Đơn cử trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc vực dậy xuất nhập khẩu, đầu tư tư nhân… là không hề dễ dàng dù đây vẫn là những động lực quan trọng. Bởi vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa tiêu dùng và đầu tư công.
Liên quan đến tiêu dùng cuối của Nhà nước và dân cư, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đặc biệt lưu ý về chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng được tính toán qua phương pháp sử dụng GDP - phản ánh thực tế người dân và Chính phủ đã chi tiêu và đóng góp vào GDP. “Việc tiêu dùng cuối cùng trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68%, thấp hơn cùng kỳ các năm 2021 và 2022, cho thấy cầu trong nước đang suy yếu mạnh”, TS. Nguyễn Bích Lâm nêu thực tế và cho biết: “Trong tiêu dùng cuối cùng, chiếm tới hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình. Cho nên để phục hồi cầu trong nước, rất cần có các chính sách, giải pháp để kích cầu để người dân tăng chi tiêu”.
Có lẽ đây chỉ là một ví dụ để cho thấy, việc “điểm tên” các động lực để thúc đẩy hồi phục tăng trưởng là không khó, song để xác định chính xác cần “kích” vào đâu, hỗ trợ cụ thể vào lĩnh vực nào cho đúng và trúng; thời điềm, liều lượng và sự phối hợp chính sách ra sao để vừa thúc đẩy tăng trưởng song không gây ra các hệ lụy và rủi ro về sau cho ổn định vĩ mô lại không dễ dàng. Cũng chính vì vậy, việc rà soát, tác động để kích hoạt, khai thác hiệu quả các động lực là yếu tố mà các chuyên gia, tổ chức khuyến nghị, đồng thời cũng là nội dung Chính phủ đặc biệt quan tâm hiện nay. Dự kiến chỉ trong thời gian rất ngắn tới đây, Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm. Kỳ vọng điều này sẽ giúp khai thác tối đa các động lực để tăng trưởng kinh tế đạt mức khả dĩ nhất.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư -Trần Quốc Phương cho biết, dự thảo nghị quyết này đã được trình xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Chính phủ xem xét ban hành. Đây cũng là nghị quyết tập trung rất nhiều giải pháp để làm sao phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội từ nay đến cuối năm.
Trong đó, một trong những nhóm vấn đề trọng tâm là rà soát lại tất cả động lực để có các giải pháp tác động kích thích tăng trưởng. Trong bối cảnh động lực xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn, các giải pháp sẽ tập trung hơn vào thúc đẩy tiêu dùng trong nước, khuyến khích đầu tư với trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông được đầu tư từ khu vực tư nhân. Các giải pháp cũng sẽ tập trung vào siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua đó khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ như đã được phản ánh trong thời gian vừa qua.