Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trước nhu cầu mở rộng
Sự phục hồi và nguy cơ quá tải
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, đến hết tháng 10/2022, tổng lượng khách các cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ ước đạt hơn 3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế gần 355 nghìn lượt, khách nội địa hơn 2,7 triệu lượt. Hoạt động du lịch mang về nguồn thu hơn 6.600 tỷ đồng. Đặc biệt là sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã đón gần 21 nghìn chuyến bay, mang hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch tại thành phố.
Đến thời điểm hiện tại đã có 8 đường bay nội địa đi và đến Đà Nẵng là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Hải Phòng, Cần Thơ được khai thác bởi các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Viettravel Airlines.
12 chặng bay quốc tế sau thời gian mở cửa bầu trời đã có tần suất khai thác tốt, kết nối Đà Nẵng với Incheon, Daegu, Muan, Busan (Hàn Quốc), Bangkok (Suvarnabhumi và Donmuang) - Thái Lan, Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Siêm Riệp (Campuchia), New Delhi và Mumbai (Ấn Độ), Đài Bắc (Đài Loan). Đến cuối năm nay, ngành du lịch sẽ phối hợp với các hãng hàng không, cảng hàng không để xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế Haneda (Nhật Bản) - Đà Nẵng của Vietjet, Hồng Kong - Đà Nẵng của Hồng Kông Express, Đài Loan - Đà Nẵng của Eva Air. Có thể xem đây là bước phục hồi ngoạn mục của ngành du lịch và hàng không tại thành phố biển này.
Sân bay Quốc tế Đà Nẵng hướng đến lộ trình đón 30 triệu hành khách/năm |
Cách đây không lâu, tại diễn đàn “Đà Nẵng - Điểm đến Châu Á” với sự tham dự của 80 đại biểu là các hãng hàng không, đơn vị lữ hành quốc tế, tập đoàn, hiệp hội du lịch. Đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chia sẻ. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có 39 đường bay quốc tế và 13 đường bay nội địa. Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, có thể đón tàu bay thân rộng với tầm bay xa theo tiêu chuẩn quốc tế, 2 nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa có công suất phục vụ 15 triệu lượt khách/năm và 18.000 tấn hàng hóa/năm.
Với vai trò và vị trí quan trọng như trên, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ được đầu tư phát triển một số dự án quan trọng như nhà ga hàng hóa với công suất 100.000 tấn/năm và có khả năng mở rộng lên 150.000 tấn/năm, diện tích sử dụng đất 2,68ha. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024, đạt mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm logistics hàng không chuyên dụng tại Việt Nam. Nhà ga hành khách T3 với công suất 15 triệu hành khách/năm, dự kiến khởi công trong giai đoạn 2025 - 2030.
Theo phương án điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng sẽ được mở rộng theo hai hướng: phía Nam của sân bay hiện hữu và mở rộng về phía Tây. Cơ sở hạ tầng phụ trợ được quy hoạch bổ sung mới ở khu vực phía Tây sân bay bao gồm: Khu vực kho hàng hóa diện tích 2,25 ha; Khu vực Logistics diện tích 5,16 ha; Các hangar (Nhà chứa máy bay) (80x110) m phục vụ đậu đỗ, sửa chữa máy bay: 17 vị trí; Khu vực văn phòng các hãng hàng không và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ khác. Việc mở rộng bao gồm nhà ga hành khách nội địa mở rộng (T1) lên trên 10 triệu hành khách/năm. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ kết hợp nhà ga quốc tế cũ (T2) để cải tạo và hợp khối thành nhà ga hàng không quốc tế đảm bảo công suất khai thác 14-16 triệu hành khách/năm. Xây mới nhà ga hàng không nội địa về phía Nam đảm bảo công suất khai thác 16 triệu hành khách/năm…
Lộ trình đón 30 triệu hành khách/năm
Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt vào năm 2015, trong đó giai đoạn đến năm 2020 sân bay này được mở rộng đạt công suất 13 triệu hành khách/năm. Giai đoạn đến năm 2030 sẽ mở rộng theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không. Trong những năm qua, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã được đầu tư gồm nhà ga quốc tế công suất 4 triệu hành khách/năm; nhà ga quốc nội 5-6 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên với mức độ tăng trưởng liên tục từ 2010- 2019, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã quá tải, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ.
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng vừa có tờ trình số 189/TTr-UBND (17/11/2022) gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị thẩm định, phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng có 4 chỉ tiêu quan trọng đạt được sau khi điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là sân bay cấp 4E theo quy định của ICAO và sân bay quân sự cấp 1; sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050; sản lượng vận chuyển hàng hóa 200.000 tấn/năm; có 92 vị trí sân đỗ máy bay; loại máy bay khai thác là các loại tàu bay code E trở xuống như B747, B777, B787, A320, A321, A350 và tương đương, dự bị cho tàu bay code F (B747-8), máy bay quân sự cấp I.
Để đạt các mục tiêu quy hoạch nói trên trong thời kỳ sau 2030, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ xây dựng mới đường cất hạ cánh 35L/17R có tim đường cách tim đường cất hạ cánh 35R/17L khoảng 375m, kích thước 3.190mx45m. Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía Đông đạt 73 vị trí; giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng mới sân đỗ phía Tây với 19 vị trí đỗ. Về nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, UBND Đà Nẵng đề xuất giữ nguyên nhà ga T2 hiện hữu khai thác quốc tế; mở rộng nhà ga T1 về phía Đông Nam sân bay (2 nhà ga sẽ được kết nối với nhau bởi cầu nối dài 170m).
Thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía Đông Nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475m2, 2 cao trình; cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế. Trong giai đoạn 2021-2022, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị xây dựng nhà ga hàng hóa phía Đông; thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa phía Tây kết hợp với khu logistic hàng không.
Trên cơ sở nhu cầu sử dụng của cảng hàng không và tiến độ xây dựng của từng hạng mục công trình, việc huy động vốn đầu tư trong khuôn khổ của đồ án quy hoạch được phân thành 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn từ 2021-2025 có nhu cầu vốn là 6.623 tỷ đồng; giai đoạn từ 2025 đến năm 2030 là 9.455 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 7.921 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, dự phòng thì tổng nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên tới 30.999 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết: Điều kiện đầu tư mở rộng sân bay và đầu tư các hạng mục công trình trong Cảng hàng không Đà Nẵng (dự án) phù hợp với quy hoạch cảng hàng không, sân bay được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Dự án tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định áp dụng; phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế; Tuân thủ các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ, Đà Nẵng rất coi trọng việc mở rộng sân bay và nâng công suất nhà ga theo lộ trình lên 30 triệu hành khách/năm trong tương lai. Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, một trong những sân bay và điểm đến hấp dẫn của khu vực Châu Á.