Nắm bắt cơ hội đầu tư ngành vi mạch bán dẫn
Ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu có quy mô hơn 611 tỷ USD trong năm 2023 và sẽ đạt hơn 2.060 tỷ USD vào năm 2032. Bản đồ ngành chip toàn cầu đang được vẽ lại và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng chỉ trong vòng 3-5 năm. Vậy nên, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ cho cơ hội này.
Với nguồn nhân lực dồi dào và tiềm năng phát triển lớn, Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút đầu tư từ các cường quốc công nghệ hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Ảnh minh họa |
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), cho biết Ấn Độ đang nỗ lực tăng tốc tận dụng cơ hội khi bản đồ chuỗi cung ứng chip vi mạch bán dẫn toàn cầu đang được vẽ lại. Năm 2021, Ấn Độ đã thành lập Ủy ban Sứ mệnh Bán dẫn Ấn Độ (ISM) với ngân sách khoảng 10 tỷ USD nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn
Cũng vậy, Trung Quốc hiện là một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ chip lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% công suất toàn cầu và 30% thị phần lắp ráp, kiểm thử và đóng gói. Năng lực sản xuất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhập khẩu vẫn rất lớn.
Theo TS. Thành, cuộc đua công nghệ bán dẫn quyết định vị thế của các cường quốc trên trường quốc tế và Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút đầu tư từ các cường quốc công nghệ hàng đầu. Nhà nước nên đóng vai trò là nhà đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, tạo điều kiện để họ cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển các sản phẩm kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động, thiết bị IoT và nhiều ứng dụng khác; đồng thời, là cơ sở kỹ thuật cho các lĩnh vực như truyền thông, y tế và năng lượng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử.
Thành phố sẽ nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển (nguồn nhân lực thiết kế) vi mạch quy mô 5 triệu USD, đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay cho đến năm 2030…
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Hepza đang chuẩn bị kế hoạch xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào thành phố.
“Thành phố sẽ chuẩn bị về nguồn nhân lực cũng như hạ tầng, nhất là hạ tầng về điện nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để chuẩn bị hạ tầng cho các nhà đầu tư, Hepza dự kiến đầu tư mới KCN Phạm Văn Hai ( đang ở giai đoạn đấu thầu và tư vấn)”, ông Hà cho biết.