Sản phẩm OCOP lên môi trường số
Sản phẩm khó vươn xa
Trước thực trạng các sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) gặp khó do chỉ phân phối được ở kênh bán hàng truyền thống, thời gian gần đây các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã có những phương án đồng hành, hỗ trợ cụ thể, trong đó có việc đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Đà Nẵng hiện có 40 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận, trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao của 36 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhiều sản phẩm OCOP 4 sao nổi tiếng như chả cá thu chiên của Công ty TNHH Bắc Đẩu; tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh của HTX Công nghệ cao Mặt trời Việt; nước mắm Hương Làng Cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương; bánh khô mè Bà Liễu...
Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm OCOP, nhằm hỗ trợ cho những làng nghề truyền thống, sản phẩm địa phương được quảng bá, kết nối và quan trọng nhất là có được chỗ đứng trên thị trường.
Thương mại điện tử góp phần để các sản phẩm OCOP xây dựng chỗ đứng trên thị trường. |
Tuy nhiên, theo đại diện HTX rau Túy Loan, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, hiện chỉ có khoảng 50% sản phẩm của đơn vị được tiêu thụ ở các siêu thị, nơi có giá thành tốt. Trong khi đó, với hàng chục nhân công lao động đang làm việc tại HTX hiện nay, thì sản phẩm tiêu thụ phải đạt 70 đến 80% đầu ra thì mới đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động. Song, do cạnh tranh về giá cả và những mặt hàng cùng loại hiện đang có trên thị trường rất nhiều nên 50% rau hợp tác xã vẫn phải đưa ra bán ở các chợ truyền thống hoặc các bếp ăn tập thể.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bắc Đẩu, khó khăn của những doanh nghiệp có sản phẩm OCOP vẫn là chuyện tìm được đầu ra sản phẩm để duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, việc bảo quản, vận chuyển sản phẩm, nhất là sản phẩm đông lạnh, thực phẩm khiến các đơn vị cũng gặp khó khăn.
Nguyên nhân chính khiến các sản phẩm địa phương vẫn chỉ tiêu thụ ở... địa phương, do nhiều sản phẩm OCOP còn trùng lặp nhau, đặc biệt là thực phẩm chế biến như bún, miến khô, nấm, tinh bột nghệ... Trong khi, theo nhiều người các sản phẩm này giá thành lại cao, khó cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp được sản xuất đại trà, giá thành thấp.
Đặc biệt, người dân hiện nay chỉ mới đưa sản phẩm mình có ra thị trường chứ chưa thực hiện bước nghiên cứu thị trường trước, tìm hiểu xem sản phẩm của mình phục vụ nhóm khách hàng nào, đưa vào siêu thị hay là xuất khẩu...
Trong khi đó, để đưa một sản phẩm OCOP tiêu thụ ở địa phương khác hay thậm chí xuất khẩu không dễ, khi phải đảm bảo vùng nguyên liệu, kế hoạch sản xuất đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng với nhiều tiêu chí khác. Điều mà các sản phẩm OCOP đa phần do nông dân sản xuất không thể kham nổi. Bởi vậy, đa số các chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP vẫn chỉ tập trung vào kênh bán hàng truyền thống, chưa nghiên cứu hay có kinh nghiệm về thương mại điện tử nên không tập trung phát triển kênh bán hàng này.
“Bệ phóng” thương mại điện tử
Trong khi đó, xu hướng người tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn bởi tính tiện lợi, khả năng thích nghi nhanh. Bởi vậy, việc thích ứng thương mại điện tử trong kết nối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khu vực Đà Nẵng nói riêng và miền Trung - Tây Nguyên là yêu cầu cấp thiết dù còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn về nhân lực, quy trình, kinh nghiệm bán hàng…
Nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP tháo gỡ các khó khăn, ngành công thương và các doanh nghiệp công nghệ đã có những phương án đồng hành, hỗ trợ cụ thể để tiêu thụ các sản phẩm. Được biết, từ nay đến năm 2025, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu có hơn 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Hiện, Sở Công Thương thành phố đang phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu chính quyền địa phương tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử, môi trường số.
Đến nay, các cơ quan chức năng địa phương đã hỗ trợ 100% chi phí cho 220 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử như: xây dựng website thương mại điện tử, trang hồ sơ năng lực trực tuyến (Portfolio), giải pháp SEO qua Landing Pages, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tham gia sàn thương mại điện tử (Alibaba, Lazada, Sendo); hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh xúc tiến bán hàng trực tuyến bằng các giải pháp tiếp thị đa kênh…
Là đơn vị khởi nghiệp với sản phẩm đông trùng hạ thảo, ngay khi sản phẩm ra thị trường, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed nằm trên địa bàn phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ đã chủ động thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Dr. Trung cho nhóm các sản phẩm của công ty; đồng thời đăng ký mã số mã vạch cho từng sản phẩm với Trung tâm mã số mã vạch quốc gia. Hiện, tất cả các sản phẩm của công ty đều được in mã QR dẫn đến website chính thức của công ty và zalo OA (Zalo Official Account) để khách hàng có thể truy cập nhanh, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm...
“Chúng tôi bán hàng chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, vì vậy, việc chuyển đổi số là cần phải có và là lẽ đương nhiên trong thời đại bán hàng 4.0. Mặt khác, vì bán hàng đa kênh nên cần thiết số hóa để đồng bộ và quản lý sản phẩm trên cùng một nền tảng, giúp công ty vận hành tối ưu và nhất quán”, một đại diện của công ty cho biết.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP. Trong đó, nghiên cứu, rà soát chuẩn hóa sản phẩm về nhãn hiệu, bao bì, mã vạch để bảo đảm điều kiện đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; đồng thời từng bước nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm OCOP để triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.