Sẵn sàng thử nghiệm cho vay ngang hàng
P2P Lending: Cần khung pháp lý để loại trừ biến tướng |
Nhiều quy định đã được cụ thể hóa
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Trần Đại Dương, Tổng Giám đốc Interloan cho biết, ngay sau khi NHNN công bố dự thảo lần thứ 2 của quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp này đã sẵn sàng tất cả các hồ sơ để xin phép thử nghiệm mô hình kết nối cho vay của mình.
Ông Dương đánh giá, so với dự thảo lần trước, Ban soạn thảo đã bổ sung, sửa đổi nhiều điều khoản, tiếp thu, giải quyết những góp ý trước đó của cộng đồng DN fintech. Cụ thể, các quy định về điều kiện, tiêu chí, hồ sơ tham gia cơ chế thử nghiệm đã được cụ thể hóa rất rõ ràng. Những hoạt động không được phép triển khai như: cung cấp biện pháp đảm bảo tiền vay, cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu... cũng đã được quy định rõ. Điều này sẽ giúp thị trường thanh lọc, loại trừ các trường hợp DN "mượn" mác cho vay ngang hàng (P2P Lending) để thực hiện các hành vi lừa đảo, huy động và sử dụng vốn trái phép của người dân.
Mô hình P2P Lending sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với ngân hàng |
Đối chiếu những quy định về điều kiện, tham gia thử nghiệm trong dự thảo Nghị định, ông Dương cho biết, Interloan hiện nay cơ bản đáp ứng được tất cả các quy định về nghiệp vụ cho vay ngang hàng, bao gồm cả các biện pháp phòng ngừa rủi ro, xử lý lưu trữ dữ liệu, tra soát giải quyết khiếu nại, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
“Chúng tôi đã kết nối được hàng trăm DN với khoảng 70.000 lao động, hỗ trợ cho vay ứng lương và kết nối giải ngân các gói tài chính tiêu dùng cho hàng chục ngàn nhân viên, người lao động. Tất cả yêu cầu về xác thực định danh điện tử, sử dụng tài khoản ngân hàng cho các giao dịch, xử lý rủi ro tranh chấp đều đang được Interloan áp dụng nên chỉ cần được NHNN cấp phép thử nghiệm là có thể thực hiện được ngay”, ông Dương cho biết.
Tương tự, ông Trần Việt Vĩnh, Giám đốc điều hành Fiin Credit cũng cho hay, việc NHNN tích cực hoàn thiện cơ chế pháp lý cho thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo hứng khởi lớn cho các DN fintech nói chung và các mô hình cho vay ngang hàng nói riêng. Bởi nhiều năm qua, các fintech cung ứng dịch vụ P2P Lending muốn mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư cũng khó khăn vì chưa có quy định pháp lý. Việc đưa các app ứng dụng lên App Store cũng chưa thực hiện được, từ đó làm giảm khả năng mở rộng khách hàng của các mô hình P2P Lending.
Theo nhận xét của ông Vĩnh, các nội dung pháp lý thử nghiệm P2P Lending mà NHNN đưa ra trong dự thảo Nghị định là khá phù hợp với thực tiễn hoạt động cho vay ngang hàng trên thị trường hiện nay. Riêng tại Fiin Credit, tất cả các yêu cầu về nghiệp vụ P2P Lending đều đã được DN đáp ứng được theo yêu cầu của dự thảo Nghị định.
Chương mới cho tín dụng tiêu dùng
Với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động P2P Lending, nhiều chuyên gia nhận định trong một, hai năm tới các mô hình P2P Lending sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng và cho vay nhỏ lẻ phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần FINX, khi có cơ sở pháp lý cụ thể thì hoạt động hợp tác giữa ngân hàng và fintech cũng sẽ sôi động hơn. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia fintech cũng cho rằng, xu hướng thanh toán số và cho vay cấp vốn – đầu tư số, đang là xu hướng chung ở nhiều quốc gia và đã tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính tiêu dùng. Hiện Việt Nam đã đi chậm hơn so với các nước trong việc cấp phép ngân hàng thuần số. Vì thế, pháp lý cho hoạt động của các fintech cần nhanh chóng hoàn thiện để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp startup lĩnh vực tài chính tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị phần.
Từ góc độ thị trường, ông Trần Đại Dương cho biết, nếu NHNN cởi mở hơn với các fintech trong việc cấp phép thử nghiệm thì nhiều DN sẽ có động lực để mở rộng quy mô và địa bàn. Từ đó cung cấp nhiều giải pháp tài chính số tiện lợi đến người dân, bổ sung đa dạng hóa thị trường tài chính tiêu dùng.