P2P Lending: Cần khung pháp lý để loại trừ biến tướng
Ngân hàng Nhà nước lưu ý các TCTD thận trọng khi hợp tác với các công ty P2P Lending | |
Cho vay ngang hàng: Cần khuôn khổ pháp lý phù hợp |
Các ứng dụng vay mượn P2P Lending đang hấp dẫn khá nhiều khách hàng trẻ sử dụng |
Những liên kết chính thức
Cuối tháng 6 vừa qua, CTCP Netfin Việt Nam - DN fintech hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ online và P2P Lending, sở hữu nền tảng ứng dụng Mofin.vn, đã chính thức ký kết hợp tác toàn diện với CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) và NHTMCP Quốc dân (NCB). Hợp tác này, các bên cam kết sẽ ưu tiên sử dụng dữ liệu khách hàng, chia sẻ các sản phẩm dịch vụ của nhau để cùng khai thác thị trường tài chính cá nhân và tín dụng tiêu dùng.
Ông Vũ Tuấn Dũng - Giám đốc Netfin cho biết, hiện đơn vị đã mua lại công nghệ P2P Lending Mofin từ Hoa Kỳ với hệ thống thẩm định khách hàng tự động, phân tích tín dụng người dùng với độ chính xác cao. Bằng việc hợp tác với VASS và NCB, DN sẽ cung cấp cho ngân hàng và công ty bảo hiểm quy trình thẩm định khách hàng theo công nghệ mới để bổ sung cho các giải pháp thẩm định và giải ngân truyền thống.
Cụ thể, NCB - VASS - Netfin đồng ý ưu tiên giới thiệu khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho bên còn lại; đồng thời cùng thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khách hàng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của khách hàng, chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất và nâng cao sự trung thành của khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các bên.
Thông qua chương trình hợp tác này, NCB sẽ cung cấp các gói vay với nhiều quyền lợi ưu việt và mức lãi suất phù hợp đến khách hàng cá nhân của NCB, thông qua hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch của NCB tại các tỉnh thành trên cả nước. NCB sẽ trở thành đối tác sử dụng dịch vụ thẩm định của Netfin, đem đến cho khách hàng trải nghiệm công nghệ vay tiền hoàn toàn tự động. Khách hàng có thể đăng ký, được xét duyệt hồ sơ trực tuyến và nhận được giải ngân nhanh chóng thông qua thẻ ảo của NCB.
Bên cạnh Netfin, mới đây Interloan - một DN khác hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending cũng thông tin, đang hoàn tất các thủ tục để ký kết hợp tác toàn diện với một số NHTM và các DN để triển khai các dịch vụ cho vay ngang hàng giữa các cá nhân, người lao động với nhau.
Ông Trần Đại Dương - Giám đốc Điều hành Interloan cho hay, hiện DN đã chạy thử nghiệm thành công công nghệ P2P Lending theo mô hình chấm điểm tín dụng mà Quỹ tài chính John Galt Venture đang áp dụng hiệu quả tại nhiều nước khu vực Đông Nam Á. Trong tháng 7 này, đơn vị sẽ ký kết hợp tác với 3 NHTM (Sacombank, Nam A Bank và VietcapitalBank) để tạo lập hệ thống quản lý giao dịch vay mượn giữa các thành viên trên “sàn” Interloan.
Song song đó, đơn vị cũng ký kết hợp tác với các DN sử dụng nhiều lao động như: McDonald’s Vietnam, CTCP Mắt Bão, CTCP Vietmoney… để đưa khoảng 1.500 nhân viên, người lao động có nhu cầu vay mượn lẫn nhau lên ứng dụng P2P Lending mà Interloan đã tạo lập và bắt đầu chính thức cung cấp dịch vụ với khoảng 50 khoản vay được kết nối thành công, tính đến tháng 7/2019.
Ngóng pháp lý
Thừa nhận những đóng góp tích cực mà hoạt động P2P Lending có thể mang đến cho xã hội, trong Công văn số 5228 (ngày 8/7) NHNN cho rằng, với việc tạo ra các ứng dụng kết nối giữa người vay và người cho vay trên nền tảng internet, “P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; qua đó có thể góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen”.
Tuy nhiên, cũng tại văn bản này cơ quan quản lý nêu ra một thực tế hiện nay là hoạt động P2P Lending đang có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Theo đó, một số trường hợp lợi dụng mô hình P2P Lending để thực hiện hành vi bất hợp pháp như hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp… Thậm chí trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty làm dịch vụ cầm cố có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Các TCTD 2010 khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức huy động vốn và cấp tín dụng trái với các quy định của pháp luật.
Những lưu ý trên của NHNN cũng được giới quan sát và phân tích đồng thuận. Trong một khảo sát và phân tích (công bố năm 2017), trang Knowzone.vn cho rằng, một số nền tảng P2P Lending tại Việt Nam hiện nay như wingoin, tima… đang không có hệ thống chấm điểm tín dụng của khách hàng vay.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Đại Dương, CEO Interloan cho rằng, trong khoảng 2-3 năm gần đây những công ty “núp bóng” P2P Lending để thực hiện hoạt động huy động vốn và tự cho vay phổ biến. Những công ty chỉ đầu tư chuyên vào nền tảng kết nối nhà đầu tư cá nhân với khách hàng vay trên thị trường thực sự chưa nhiều và thường bị đánh đồng với tất cả các mô hình cho vay online biến tướng của đa cấp và tín dụng đen nhưng tự giới thiệu là P2P Lending.
Đến nay, theo ông Dương, mặc dù NHNN chưa có những quy định cụ thể để quản lý, kiểm soát chặt chẽ các mô hình P2P Lending, nhưng một số startups trong lĩnh vực này như Interloan cũng đã tự ràng buộc bằng cách đưa ra các hạn mức kết nối đầu tư - cho vay phù hợp, quy định chặt chẽ về phương pháp chấm điểm tín dụng, kiểm soát rủi ro, đồng thời gia tăng kết hợp với các DN, NHTM để xây dựng mô hình P2P Lending đúng nghĩa.
Trong thời gian tới, ông Dương kỳ vọng các quy định về P2P Lending sẽ được luật hóa cụ thể thì các mô hình cho vay online biến tướng được kiểm soát và loại bỏ, sẽ tạo điều kiện cho các mô hình cho vay ngang hàng thực chất có thể cạnh tranh khai thác thị trường tài chính tiêu dùng cá nhân.
Tại Công văn số 5228, NHNN khuyến nghị, trong thời điểm hiện nay khi khung pháp lý về P2P Lending chưa được hoàn thiện, các NHTM cần cân nhắc trong việc hợp tác với các mô hình kết nối cho vay ngang hàng. Theo đó, các TCTD cần thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P Lending, đảm bảo các hợp tác được thực hiện đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của TCTD cũng như uy tín, an toàn của hệ thống ngân hàng. NHNN cũng yêu cầu các công ty P2P Lending khi hợp tác với các TCTD cần công bố đầy đủ, minh bạch và trung thực các thông tin về nội dung hợp tác, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan. Từ đó đảm bảo hạn chế tối đa những tổn hại có thể xảy ra cho nhà đầu tư, người vay vốn và cả các TCTD khi hợp tác gặp sự cố. |