Sáng - tối bức tranh logistics Việt
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức triển lãm quốc tế Logistics | |
Xanh hóa ngành logistics | |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Phát triển logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu |
Thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp
Logistics đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng bình quân từ 14 - 16%/năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết.
Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics Việt ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD trong năm 2022, tăng 9,5% so với năm 2021. Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là kết quả những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics và của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực dịch vụ logistics nói riêng, cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bức tranh “rực rỡ” đó vẫn còn những gam màu tối. Là chủ một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực logistics, ông Cáp Trọng Cường - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn
Container Việt Nam (VICONSHIP) chia sẻ, các doanh nghiệp logistics nội địa nếu phân theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì rất mạnh, không hề thua kém các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt vẫn đang phải làm thuê ngay trên sân nhà.
Nguyên nhân được chỉ ra là do tính tương tác, liên kết của các doanh nghiệp này rất yếu. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi với số vốn hóa lớn cùng mạng lưới tương đối tốt như VICONSHIP. Tuy vậy, do kết nối yếu khiến lĩnh vực logistics của Việt Nam chưa phát triển thực sự đúng tiềm năng, ông Cường chia sẻ thêm.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trần Thanh Hải đúc kết, ngành logistics Việt hiện đang còn tồn tại nhiều điểm yếu khác như chi phí logistics còn cao, quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn nhỏ và yếu, chưa thể vươn ra thị trường nước ngoài...
Thương mại điện tử thúc đẩy sự thay đổi
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Thêm nữa, chúng ta còn có đường bờ biển dài để có hệ thống cảng biển hoạt động hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất được duy trì ổn định. Cùng với đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử trong cả lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng trong nước cũng giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh để trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.
Ông Hậu Hồng Băng - Phó Chủ tịch kiêm đại diện của Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho hay, với sự ra đời và tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các công ty logistics cần hợp tác với nhau để cùng phát triển. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng đã nâng cao chất lượng quản lý của ngành logistics.
Cùng với đó, các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn. Trong đó, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, điều này càng làm thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Hậu Hồng Băng cho biết thêm.